Thủ đô và nhiều tỉnh trong những ngày giãn cách vì Covid-19 nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nhu cầu mua cờ để trang hoàng và khánh tiết dịp lễ 2/9 năm nay giảm hẳn.
Gửi hàng xong, người đàn ông 45 tuổi quay về, làm một việc mà anh đã duy trì nhiều năm qua là mang cờ tặng những người bạn đồng niên chuẩn bị rời làng đi làm ăn xa. Anh ghé qua nhà người bạn ở Thanh Trì, nhưng không gọi bạn mà lặng lẽ thay lá cờ Tổ quốc mới treo trước nhà rồi gói lá cờ cũ đem về.
"Sinh ra trong gia đình ba đời làm nghề may cờ, niềm vui của tôi là được nhìn thấy những lá cờ đỏ sao vàng mới tinh, tươi rói, bay trên phố", anh Phục, người làng Từ Vân, xã Lê Lợi huyện Thường Tín, nói.
Trong căn nhà ba gian nằm giữa làng Từ Vân, tiếng máy khâu của vợ anh, chị Đào Thị Duyên vang lên đơn độc giữa giàn máy hơn mười chiếc đang nằm im lìm kể từ khi đại dịch bùng phát. Chị Duyên gấp bốn mảnh vải đỏ để lấy đường trung tâm rồi khéo léo ướm phần sao vàng nằm giữa, may một đường chỉ thẳng tắp. Gần 30 năm làm nghề, chị chỉ mất chừng 10 phút để hoàn thiện một lá cờ Tổ quốc.
Chị kể, những năm trước, gần đến ngày Quốc khánh 2/9, gia đình phải tuyển thêm nhân công mới sản xuất kịp lượng hàng đặt của các địa phương trên khắp cả nước. Nhiều đứa trẻ trong làng cũng tranh thủ sang nhà anh chị làm, kiếm tiền mua sách vở, rồi ngồi nghe người già trong làng kể về gốc tích của việc làng thêu Từ Vân trở thành làng may cờ Tổ quốc có tiếng.
Bà Đặng Thị Đàm - mẹ anh Phục kể, làng Từ Vân có nghề thêu tranh dân gian từ thế kỷ 16 nhưng nghề thêu, may cờ thì mới có từ năm 1945. Năm đó, để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa, Ủy ban cách mạng đã về làng đặt may cờ đỏ sao vàng. "Bố tôi kể, lá cờ nào to nhất, đẹp nhất, sắc nét nhất là của người làng Từ Vân làm ra" bà nhớ lại.
Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, những người thợ may, nghệ nhân trong làng Từ Vân được tuyển vào hợp tác xã trên phố Hàng Bông để sản xuất cờ Tổ quốc. "Thời đó, vải mua từ làng La Khê, quận Hà Đông, còn tua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì", bà Đàm kể.
Sau năm 1975, đặc biệt là khi mở cửa kinh tế, nhiều người trong làng gác lại nghề thêu, may cờ đi buôn bán. "Cách đây hơn 30 năm, khi con trai còn nhỏ, tôi bảo nó phải học nghề truyền thống của gia đình, tổ tiên. Thấy Phục học nhanh, vợ chồng tôi ủng hộ con trai sản xuất cờ theo hướng quy mô hơn để giữ gìn nghề truyền thống", người phụ nữ 62 tuổi kể và gải thích thêm cái tên "Phục" của người con trai cũng là hy vọng phục dựng lại nghề truyền thống của làng.
Trước khi mở xưởng may cờ Tổ quốc, anh Phục cũng bắt đầu từ bước đi đầu tiên là ngồi thêu cờ. Bà Đàm ủng hộ con sản xuất bằng máy móc, song vẫn rèn con: "Để có thể may hoàn thiện một lá cờ Tổ quốc, trước tiên cần phải biết thêu từng sợi chỉ vàng trên khung vải đỏ. Đây là nền tảng để có nghề may phát triển và tồn tại, giống như cái cây có gốc".
Để bắt kịp yêu cầu của thị trường, vợ chồng anh Phục đã ứng dụng máy móc hiện đại vào việc may cờ, để sản phẩm đẹp và chính xác, năng suất cao hơn. Những đợt cao điểm, anh chỉ giữ lại các đơn đặt cờ may còn đơn đặt cờ thêu, anh phân chia cho các nghệ nhân trong làng. "Đam mê thêu, may cờ Tổ quốc của tôi được thừa hưởng từ thời ông qua đời bố mẹ nên khi trưởng thành tôi chọn đây là nghề để sinh nhai luôn", người đàn ông nói. Anh còn khoe đã từng may lá đại kỳ 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc để treo ở cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - cực bắc của Tổ quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Nhâm, trưởng thôn Từ Vân, hiện nay trong làng chỉ còn khoảng 20 người giữ nghề thêu cờ Tổ quốc, bởi nghề thêu tốn khá nhiều thời gian trong khi đơn hàng ngày càng ít.
Đầu giờ chiều, chiếc điện thoại đổ chuông, anh Phục nghe xong vội quay ra thông báo với cả nhà, một khách hàng ở miền Nam đặt mua hơn 500 lá cờ. Những ngày giãn cách, không có phương tiện vận chuyển, các đơn đặt hàng cũng giảm, chỉ còn một phần ba so với mọi khi. Thi thoảng anh nhận được một số đơn hàng nhỏ từ những địa phương không bị ảnh hưởng bởi đại dịch, vẫn tổ chức trang trí phố phường. Với những đơn hàng ở Hà Nội, anh Phục phải chia nhỏ dùng xe máy đi giao hoặc gửi shipper chuyển hàng.
Xong bữa cơm tối, vợ chồng anh Phục và hai người con xúm lại, cùng nhau căn chỉnh từng mép gấp những lá cờ mới cắt hồi chiều để hoàn thiện. Trong lúc làm, anh Phục nảy ra ý tưởng tổ chức cuộc thi gia đình, thêu dòng chữ "Quyết thắng" trên vải ruy băng để gửi gắm niềm tin Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19.
Lệnh Thắng