Cơn bão số 6 hôm 9/11 đổ vào Quãng Ngãi gây mưa lớn. Lũ trên sông Vệ đạt mức báo động 2. Người dân xã Nghĩa Hiệp, ven sông Vệ sẵn sàng phương án chạy lụt. Nhưng nếu là trước kia, mỗi khi nước rút, con đường làng sình lầy, người lớn trẻ nhỏ chực ngã thì nay chỉ cần nước rút đường đã khô ngay.
Một phần đó là nhờ những con đường bê tông mà vợ chồng ông Bùi Kiệt khởi xướng. Vợ chồng ông Kiệt sinh được 6 người con. Nhà nông nghèo, song người cha luôn dặn các con "phải đi học chứ bấu miếng ruộng như cha thì không ăn thua". Nhờ suy nghĩ cấp tiến của cha, 6 con đều học hành đỗ đạt, làm giáo viên, giảng viên, lãnh đạo cấp sở...
"Kinh tế khá lên, nhà được sửa lại, nhưng cảnh con đường sình lầy bùn nhão ám ảnh cha mẹ tôi mãi. Ông bà luôn ấp ủ có một con đường", bà Bùi Thị Phong, 65 tuổi, giáo viên về hưu, con gái đầu của ông Bùi Kiệt, nói.
Những đứa con nhớ mãi cảnh những ngày mùa gặt, chẳng may một trận mưa lũ thì đường sình nhão, trơn trượt, đưa được lúa về nhà, phơi được nắng là cả nhà phải đánh vật. Có những năm lũ dâng, nước ngập đường tới đầu gối, cha bà định tháo đằng trước, nhưng làm vậy lại tràn sang hàng xóm. Ông thở dài, chẳng thể biết làm sao.
"Khi cha mẹ đã già, các em lập nghiệp xa, mỗi mùa lũ đến là tôi phải đón cha mẹ về ở cùng. Có năm đường làng ngập nước như sông, vợ chồng tôi phải chèo ghe trên đường xuống đón cha mẹ lên", bà Phong nói.
Năm 2012, cụ Lê Thị Hồi qua đời. Lo xong đám, cụ Kiệt và các con họp lại và thống nhất không đụng tới tiền phúng điếu, để dành làm đường. "Dọc tuyến đường trước nhà chỉ có dưới 10 gia đình, nếu chờ đóng góp thì rất lâu mới có đường do ai cũng khó khăn", bà Phong nói.
Chính quyền xã khá bất ngờ trước đề nghị của gia đình bà Phong. Họ ủng hộ bằng việc vận động người dân tháo dỡ hàng rào. 230 mét đường đúng chuẩn đường nông thôn mới hoàn thành ngay trước lễ cúng 49 ngày của cụ Hồi.
Làm xong con đường đầu tiên, cụ Bùi Kiệt khi ấy hơn 80 tuổi, xin xã đổ đất để chuẩn bị đổ bê tông kiên cố một con đường khác. Nhưng đường chưa kịp hoàn thành, năm 2015 cụ qua đời vì tuổi già sức yếu. Để cha yên lòng, trước lúc cụ mất, những người con thủ thỉ: "Cha mất thì chị em con cũng làm giống như hồi mẹ thôi".
Đúng như lời hứa, vừa lo tang cha xong, các xe cát, sỏi, xi măng đã cấp tập ở làng trên, xóm dưới. Ba tuyến đường mới bằng 380 triệu đồng tiền phúng của cụ Kiệt được hoàn thành trước lễ cúng 49 ngày. Con xóm nhỏ khang trang lên trông thấy.
"Hồi trước đứng trên đường thì móng nhà tôi phải cao tới ngực, nhưng từ khi gia đình bà Phong xây đường thì chưa đến đầu gối", bà Võ Thị Hồng Long, ở cách nhà bà Phong khoảng 200 m nói vui.
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, cho biết khi có tuyến đường bê tông đầu tiên vào năm 2012, cả xã hầu như chưa có đường giao thông nông thôn kiên cố. Chương trình xây dựng nông thôn mới có hỗ trợ xi măng để làm đường, nhưng cũng chỉ vừa mới triển khai.
"Việc làm của nhà bà Phong đã tác động đến suy nghĩ của mọi người. Từ đó, người dân địa phương cũng sẵn sàng đóng góp", ông An nói. Đơn cử, năm 2015, 39 hộ dân ở ruộng lúa dọc cánh đồng thôn Đông Mỹ đã tình nguyện hiến 1.500 m2 đất và ngày công lao động để mở rộng 2 tuyến đường nội đồng với tổng chiều dài 850 m. Những người làm ăn xa thành đạt ở TP HCM cũng gửi về những khoản tiền khá lớn về xây dựng quê hương. Nhờ một phần đóng góp của người dân, hiện tất cả tuyến đường trong xã là đường bê tông kiên cố, giúp cho thủ phủ hoa cúc miền Trung được chuyên chở đi khắp nơi, đời sống người dân cải thiện rõ rệt.
Trái ngược với con đường to đẹp khang trang, ngôi mộ của ông Bùi Kiệt và bà Nguyễn Thị Hồi lại rất nhỏ, nằm sóng đôi. Sắp đến ngày giỗ cha, bà Phong dắt chiếc xe đạp cũ đi đến mộ để lau dọn. Trên đường, bà cười tươi với lũ trẻ đang đạp xe đi học về. "Ăn quà vặt nghen", bà vừa trêu vừa nhắc nhở, theo cách của một bà giáo về hưu.