Việc xử lý một vấn đề luôn phải nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau. Thế nhưng những ngày vừa qua, có một câu chuyện lại đang gây tranh cãi gay gắt vì những góc nhìn và quan điểm trái chiều. Đó là hình ảnh hàng ghế gỗ Đồng Kỵ được sử dụng trong Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Có ý kiến cho rằng, hàng ghế đó "không phù hợp với không gian nhà hát". Có người đặt câu hỏi, việc sử dụng nhiều ghế gỗ như vậy liệu có thân thiện với môi trường? Chưa kể, nó gây tốn kém không cần thiết, đề cao mặt hình thức cầu kỳ, phô trương?
Cá nhân tôi lại có một hướng nhìn khác về câu chuyện này. Theo tôi, bản thân những người đề xuất và thực hiện ý tưởng này là những người nên được tuyên dương mới phải. Bởi ít nhất, họ đã gạt đi phần "giá thành" để kết hợp một "giá trị" phi vật thể với làng nghề, để cùng đưa cả hai thăng hoa đến một giá trị cốt lõi.
Đôi khi chúng ta nhìn những kiến trúc của nước ngoài và trầm trồ khen ngợi mà quên đi việc soi xét xem vì sao họ có thể bỏ ngần ấy tiền để làm việc đó? Thay vào đó, chúng ta chỉ cảm thấy khâm phục vì sao họ dám làm vậy? Có khắt khe không khi chúng ta phán xét những người dám vượt qua những rào cản bảo thủ để thay đổi theo những tư duy mới?
Tôi nghĩ đó là những con người cố gắng tách phần "giá thành" ra để thay vào phần "giá trị". Chúng ta quen với tiêu chuẩn đánh giá rẻ - bền - đẹp để rồi phải chịu biết bao nhiêu hệ lụy. Vì rẻ mà chúng ta phải tốn gấp nhiều lần tiền hơn để sửa chữa về sau, rồi lại đổ lỗi cho những sản phẩm không bền.

Hàng ghế gỗ bên trong Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ảnh: Facebook
Có những câu hỏi đại loại như: sao không xây trường học bệnh viện, xây nhà tình thương cho người nghèo, mà lại tốn tiền xây cái này cái kia? Giống như tình cảnh mà Rạp xiếc và biểu diễn đa năng 1.400 tỷ đồng ở TP HCM hay Bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ đồng. Vô hình chung, chúng ta vẫn cứ phải giới hạn mãi và bắt tất cả cùng phải "thắt lưng buộc bụng".
Nói rộng ra, một nơi thu hút được nhiều đầu tư thì phải có những khoản đầu tư về tinh thần để tăng phần "giá trị". Cũng giống như một người khi có tiền thì họ cũng phải thay đổi cách ăn mặc để gặp đối tác cho xứng tầm.
Trở lại với những bộ ghế gỗ của làng nghề Đồng Kỵ, khi kết hợp với loại hình dân ca quan họ, cũng là thể hiện cho sự bền chắc hàng trăm năm của một làng nghề sẽ đi cùng với văn hóa của dân tộc. Đó là một giá trị vô cùng to lớn mà không phải ai cũng dám tìm tòi, dám nói ra, dám thực hiện.
Tôi nghĩ tại sao chúng ta không thử đột phá bằng những ý tưởng mới, thử nghiệm mới, vừa làm vừa sửa cũng đâu có muộn. Ít nhất, nó cũng không là cứ ngồi yên chờ đợi, đi vào lối mòn xưa cũ rồi lãng phí thời cơ, như vậy còn đáng tiếc hơn nhiều.
Công trình Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh mới đây đã được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia lần thứ 15 (2022 - 2023) hạng mục Kiến trúc công cộng. Công trình do ba kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Trần Hoàng Hải Nam, Trần Anh Sơn tư vấn thiết kế.
Nguyen Hai Cuong
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.