Xương đòn hay xương quai xanh là một xương nằm dài nằm ngay dưới da vùng vai, nối giữa xương ức và hệ thống đai vai - cánh tay, có tác dụng như một thanh chống, giằng giữa thân mình và khớp vai, cho phép khớp vai hoạt động với cường độ tối ưu. Xương đòn cũng có chức năng bảo vệ các cấu trúc quan trọng phía dưới như bó mạch dưới đòn, đám rối cánh tay, phổi...
Theo ThS.BS Lê Đình Khoa - Trưởng khoa Tái tạo khớp, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, gãy xương đòn chiếm khoảng 2,6% trong tất cả các trường hợp gãy xương. Xương đòn khi gãy thường không quá nguy hiểm và tương đối nhanh lành vì xương đòn có màng xương dày và nằm tại vị trí lồng ngực - là nơi được cung cấp nguồn máu dồi dào, do đó xương đòn rất dễ liền. Tuy nhiên, trong một số trường hợp phức tạp hơn do chấn thương mạnh hoặc tai nạn nghiệm trọng, các mảnh xương gãy ra có thể đâm vào các bó thần kinh hoặc mạch máu quan trọng dưới xương đòn, đám rối cánh tay hay đâm vào đỉnh phổi gây tràn khí hoặc tràn máu màng phổi, có thể đe dọa tới tính mạng.
Nguyên nhân gãy xương đòn
Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn là do ngã chống tay, phần vai va chạm mạnh trực tiếp gây gãy hoặc gián tiếp gãy trong tư thế duỗi khuỷu, dạng vai. Tai nạn giao thông, hay lao động, chấn thương thể thao là các nguyên nhân hàng đầu gây gãy xương đòn. Gãy xương đòn tương đối phổ biến trong những môn thể thao dễ va chạm mạnh như bóng đá, đua xe đạp, trượt ván, bóng rổ, bóng bầu dục... Ngoài ra, một lực tác động nhẹ cũng có thể gây gãy xương trong các trường hợp gãy xương bệnh lý do u xương hoặc gãy xương mỏi ít gặp, có thể bỏ sót.
"Xương đòn không thực sự cứng và chắc cho tới khi trưởng thành, chính bởi lý do đó mà trẻ em là đối tượng phổ biến trong các trường hợp gãy xương đòn. Trẻ em thường rất hiếu động và dễ bị ngã, va đập trong quá trình hoạt động, vui chơi nên các tai nạn dẫn tới gãy xương có thể xảy ra bất cứ lúc nào", bác sĩ Khoa chia sẻ.
Tỷ lệ gãy xương đòn giảm xuống ở tuổi trưởng thành nhưng tăng lại ở người cao tuổi do mật độ xương giảm dần theo thời gian. Một trường hợp hiếm gặp khác là gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh, trong quá trình sinh nở gặp khó khăn do các bất lợi về ngôi thai khiến trẻ bị chèn ép gây ra gãy xương đòn.
Một số dấu hiệu của gãy xương đòn
Sau một tai nạn hay một chấn thương, người bệnh sẽ cảm thấy đột ngột xuất hiện những triệu chứng như: đau khu trú tại vùng vai sau tai nạn, tăng lên khi vận động vai, sưng phồng tại vùng vai, hõm xương vai, bầm tím vùng vai, cảm giác cứng nhắc, khó khăn để vận động vai, có tiếng rắc, cọ xương khi bạn cố vận động vai, có thể nhìn thấy đầu xương đòn di lệch đẩy lồi ra da.
Nếu các triệu chứng này có chiều hướng nặng lên sau một vài ngày, hãy đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị sớm. Việc trì hoãn hay tự chẩn đoán và điều trị sai cách có thể để lại các di chứng nghiêm trọng.
Phương pháp điều trị gãy xương đòn
Theo bác sĩ Lê Đình Khoa, để điều trị gãy xương đòn, hiện nay phương pháp điều trị bảo tồn và phẫu thuật đang được ứng dụng phổ biến. Trước khi điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc lợi ích và nguy cơ giữa 2 hướng điều trị này để có phương án phù hợp nhất với từng trường hợp. Điều này nhằm tránh các biến chứng do tác động của vị trí gãy xương với các tổ chức thần kinh và phần mềm xung quanh hoặc cũng có thể do phương pháp điều trị không đúng hay quá trình phục hồi sai nguyên tắc.
Với điều trị bảo tồn, đây là phương pháp được phần lớn bác sĩ chỉ định khi bệnh nhân chỉ gãy 1/3 xương đòn, không hoặc ít di lệch. Phương pháp này nhằm kiểm soát cơn đau, giảm vận động tại vai và vị trí gãy xương cho đến khi xương được liền hẳn. Để kiểm soát đau và sưng, biện pháp chườm lạnh càng sớm càng tốt trong 3 ngày đầu tiên hoặc sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, chống viêm NSAID được bác sĩ chỉ định phù hợp trong từng mức độ đau của bệnh nhân.
Ngoài ra, bác sĩ còn chỉ định cho bệnh nhân đeo túi treo tay, đai bất động vai số 8 giúp bệnh nhân thoải mái hơn, tránh di lệch đoạn xương gãy. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là thời gian bất động cần từ 4-6 tuần, ảnh hưởng đến tâm lý và nhu cầu vận động sớm của bệnh nhân.
Với điều trị bằng phẫu thuật, bác sĩ sẽ cân nhắc mức độ nặng nhẹ của người bệnh để có chỉ định phù hợp, thông thường là các trường hợp như gãy xương đòn di lệch hoàn toàn, gãy xương đòn có đầu gãy di lệch ngay sát dưới da, có nguy cơ chọc thủng da, gãy di lệch chồng ngắn > 2 cm, gãy phức tạp với mảnh gãy di lệch xoay ngang, vết gãy gây chèn ép bó mạch, đám rối thần kinh, gãy đầu trong xương đòn với mảnh gãy di lệch chèn ép cấu trúc trung thất, gãy nhiều xương: mổ để phục hồi chức năng sớm, gãy xương hở, gãy xương đòn có phần cơ kẹt vào ổ gãy, bệnh nhân có nhu cầu phẫu thuật để quay trở lại vận động sinh hoạt sớm hoặc sau khi đã điều trị bảo tồn mà vẫn không liền xương. Phương pháp phẫu thuật giúp người bệnh có thể nhanh chóng khôi phục vận động vai, trở lại sinh hoạt hàng ngày sớm.
Lời khuyên của bác sĩ
Để xương đòn mau lành, bác sĩ Khoa khuyến khích người bệnh nên vận động khuỷu, cổ, bàn tay nhưng nên tránh các hoạt động gắng sức ngay sau khi bắt đầu điều trị bảo tồn bằng đai, túi treo tay hoặc ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân được.
Các bài tập bắt đầu bằng vận động thụ động, tăng dần lên chủ động và có kháng trở. Bệnh nhân thực hiện bài tập con lắc theo Codman: cúi gập người khoảng 90 độ, tay lành tì lên bàn, tay tổn thương để thõng tự do đu đưa như con lắc. Mức độ hoạt động cụ thể nên được cân nhắc và được tư vấn từ các bác sĩ phẫu thuật và các chuyên gia phục hồi chức năng. Bệnh nhân nên được tái khám một tuần một lần trong 2 tuần đầu và 2 tuần một lần trong 4 tuần tiếp theo hoặc cho đến khi hết đau, chức năng vai đạt yêu cầu. Thăm khám thường xuyên và điều chỉnh tập luyện là chìa khóa để đạt được kết quả tốt nhất.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên đặc biệt lưu ý tới chế độ dinh dưỡng để có thể mau chóng bình phục. Thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, giàu canxi và vitamin D như các chế phẩm từ sữa, hải sản, các loại hạt... sẽ giúp quá trình liền xương được diễn ra nhanh hơn.
Ngoài ra, để phòng ngừa chấn thương gãy xương đòn, trong sinh hoạt thường ngày bác sĩ Lê Đình Khoa cũng lưu ý mọi người, nhất là trẻ em và người trẻ tuổi chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, tham gia giao thông an toàn; khởi động kỹ trước khi chơi các môn thể dục, thể thao; chơi thể thao với tinh thần lành mạnh, tôn trọng đối thủ, tránh gây chấn thương cho đối thủ; tìm hiểu cách sơ cứu tại chỗ cơ bản các trường hợp chấn thương; cần trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, đúng cách phòng tránh tai nạn lao động.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh, quý khách có thể liên hệ:
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Hotline: 1800 6858
TP.HCM:
2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
Hotline: 0287 102 6789
Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)