Kỳ vọng về hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ rất thấp, khi các quan chức hai bên liên tục nói rằng hai lãnh đạo khó có thể tìm thấy nhiều điểm chung. Nhưng giới chuyên gia đánh giá đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc người đồng cấp Mỹ Joe Biden mời ông gặp thượng đỉnh đã là đủ, vì đó là dấu hiệu cho thấy sự tôn trọng đối với nước Nga, điều ông luôn mong muốn trong hơn hai thập kỷ cầm quyền.
"Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy chính sách đối ngoại của Putin là mong muốn khôi phục nước Nga trở lại vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Những sự kiện kiểu này đóng vai trò rất quan trọng trong mục tiêu đó", Mark Galeotti, giáo sư nghiên cứu về Nga tại Đại học London, nhận xét. "Bản thân cuộc gặp đã là một chiến thắng".
Biden đã đề xuất hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4, sau khi Nga khiến phương Tây lo ngại bằng cách điều hàng chục nghìn quân đến biên giới với Ukraine. Các quan chức và truyền thông nhà nước ở Moksva ca ngợi lời mời như một chiến thắng cho Putin, miêu tả sự kiện như cuộc đàm phán mới nhất trong một loạt hội nghị thượng đỉnh lịch sử bắt đầu từ thời Chiến tranh Lạnh.
"Hội nghị thượng đỉnh cho thấy Nga là người chơi lớn trong các đấu trường lớn", Alexander Shumilin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận xét. "Đó là cách nhiều người nhìn nhận vấn đề ở Điện Kremlin, và ở cả phương Tây".
"Hội nghị thượng đỉnh quan trọng về mặt biểu tượng, nó đặt Nga ngang hàng với Mỹ. Với Putin, tính biểu tượng rất quan trọng", Andrei Kortunov, giám đốc trung tâm nghiên cứu RIAC ở Moskva, nói.
Không ai cho rằng cuộc gặp sẽ diễn ra thân thiện, đặc biệt là sau khi Biden công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Moskva trong những tháng đầu tiên nắm quyền. Ông còn nói với một nhà báo rằng ông đồng ý với cách mô tả Putin là "kẻ sát nhân".
Biden cam kết sẽ thể hiện sự cứng rắn với người đồng cấp Nga trong cuộc hội đàm, bằng cách nhắc đến cáo buộc về các cuộc tấn công mạng được cho là do Moskva "chống lưng", can thiệp bầu cử, lạm dụng nhân quyền, dung túng các nhóm phát tán mã độc cùng cuộc khủng hoảng Ukraine.
Căng thẳng Nga - Mỹ đã khiến đại sứ của cả hai quốc gia phải về nước và các nhà ngoại giao khác bị trục xuất trong những tháng gần đây. Nga vào tháng 5 coi Mỹ là "quốc gia không thân thiện". Điểm sáng duy nhất trong mối quan hệ là hồi tháng hai họ gia hạn hiệp ước hạt nhân New Start, hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược cuối cùng còn sót lại giữa Nga và Mỹ.
Putin nói với NBC News trước hội nghị thượng đỉnh rằng mối quan hệ với Mỹ đang ở "điểm thấp nhất trong những năm gần đây" nhưng ông hy vọng Biden sẽ ít bốc đồng hơn người tiền nhiệm Donald Trump.
Các nhà quan sát cho rằng dù hai bên khó có thể hợp tác, Biden và Putin sẽ rất vui nếu họ có thể thống nhất tiến tới một hình thức đối đầu dễ đoán hơn. "Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đã trở nên rất lộn xộn", Fyodor Lukyanov, tổng biên tập tạp chí Russia in Global Affairs, đánh giá. "Giờ họ muốn chuyển sang kiểu đối đầu có lớp lang hơn, gợi nhớ nhiều hơn đến thời Chiến tranh Lạnh".
Giới chuyên gia đánh giá có thể có những dấu hiệu tích cực từ cuộc gặp như hai bên thống nhất đàm phán thêm về kiểm soát vũ khí hay hứa hẹn về nỗ lực chung trong vấn đề an ninh mạng. Một số người ở Nga gợi ý hai bên có thể nhất trí tạm dừng "cuộc chiến ngoại giao", sau các đòn trục xuất nhân viên ngoại giao của nhau.
Với các vấn đề nhân quyền như số phận của nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny, hay sự hậu thuẫn của Nga cho phe ly khai ở Ukraine, giới chuyên gia cho rằng khó có thể kỳ vọng một kết quả đột phá.
"Putin đã nói rõ 100% rằng ông không coi Mỹ là thẩm phán hay người hướng dẫn về nhân quyền", nhà phân tích chính trị độc lập người Nga Masha Lipman nhận xét. "Đột phá về Ukraine ư? Đừng mong đợi điều đó. Căng thẳng đã trở thành vấn đề 'kinh niên', bàn luận cũng vô ích thôi".
Putin gần đây đã nhấn mạnh quan điểm phương Tây thù địch với Nga. Tại Diễn đàn Kinh tế tháng này ở St Petersburg, ông tuyên bố rằng Mỹ muốn "kìm hãm" sự phát triển của Nga. Trước đó vài ngày, ông đe dọa sẽ "đấm gãy răng" bất kỳ thế lực nước ngoài nào muốn "cắn" Nga.
"Rõ ràng ông ấy coi Mỹ là một đối thủ không muốn Nga được tốt đẹp. Tầm nhìn này sẽ không thay đổi", Kortunov nói. Dù vậy, ông cho rằng Putin có thể sẽ cố hạ nhiệt căng thẳng hiện nay, nhất là khi các biện pháp trừng phạt mà Nga hứng chịu đang đè nặng lên nền kinh tế nước này.
"Là một chính trị gia lý trí, Putin muốn giảm rủi ro liên quan đến mối quan hệ đối đầu này", Kortunov nói thêm.
Nhà Trắng cho biết hai lãnh đạo sẽ không tổ chức họp báo chung, Biden sẽ có họp báo riêng sau hội đàm. Putin cũng có thể nói chuyện riêng với các nhà báo Nga.
Galeotti cho rằng rốt cuộc, Putin sẽ bay về Moskva trong vinh quang của một hội nghị thượng đỉnh, trong khi Biden có thể chuyển sang những việc khác. "Biden chỉ đơn giản là muốn chốt xong vấn đề Nga, 'đóng hộp' nó và đặt lên kệ, ông ấy không muốn tập trung vào việc này, ông ấy còn những vấn đề khác, như Covid-19 hay Trung Quốc", Galeotti nói.
"Ông ấy muốn nói với Nga: 'Lùi lại đi, miễn là các anh không làm bất cứ điều gì thực sự buộc tôi phải ra tay, tôi sẽ không để ý đến các anh quá nhiều", Galeotti nói thêm.
Phương Vũ (Theo AFP/BBC)