Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/7 nhất trí cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng tiềm tàng về nguồn cung vào mùa đông, trong bối cảnh Nga có nguy cơ cắt giảm mạnh hoặc khóa vòi khí đốt cho khối.
Theo thỏa thuận, từ tháng 8 năm nay tới tháng 3/2023, toàn bộ thành viên EU sẽ tự nguyện giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt. Trong trường hợp xảy ra cú sốc về nguồn cung, như Nga ngắt hoàn toàn đường ống khí đốt, EU có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp và biến tỷ lệ cắt giảm này thành mức bắt buộc, có hiệu lực ngay lập tức.
Thỏa thuận miễn trừ cho ba quốc đảo Cyprus, Ireland và Malta, vốn không kết nối với mạng lưới khí đốt của EU. Ngoài ra, mọi quốc gia thành viên EU, đặc biệt là những nước ít kết nối với mạng lưới khí đốt chung hoặc gặp sự cố về nguồn cung cấp điện, đều có quyền yêu cầu được miễn quy định cắt giảm khí đốt bắt buộc.
Thỏa thuận được thực hiện thế nào?
Khi thực hiện chính sách cắt giảm 15% lượng tiêu thụ, chính phủ các nước thành viên EU có thể chọn cách thức phân phối khí đốt phù hợp, miễn là đảm bảo ưu tiên nguồn cung cho các hộ gia đình.
Dù được ưu tiên, các hộ gia đình ở châu Âu được kỳ vọng sẽ thực hiện trách nhiệm tiết kiệm khí đốt của mình. Giới chức EU đang thúc giục chính phủ các nước phát động chiến dịch khuyến khích dân chúng tắt bớt đèn, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ và máy sưởi.
Những đơn vị tiêu thụ khí đốt trong lĩnh vực công nghiệp sẽ cảm nhận được áp lực đầu tiên, khi các nhà máy có thể bị áp chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng liên quan đến làm mát hoặc sưởi ấm. Một số lĩnh vực công nghiệp có thể miễn trừ, như các cơ sở sản xuất hàng hóa thiết yếu hoặc khó tái khởi động sau khi ngắt nguồn cung năng lượng.
EU đang thúc giục các nước tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, song cũng yêu cầu họ xem xét trì hoãn quá trình từ bỏ năng lượng hạt nhân hoặc than đá, trong nỗ lực tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế cho khí đốt Nga.
Các quốc gia thành viên EU được yêu cầu báo cáo lại cho liên minh về kế hoạch tiết kiệm năng lượng hai tháng một lần, một hình thức gây áp lực nhằm thúc đẩy họ hành động.
Lý do EU phải cắt giảm tiêu thụ khí đốt?
Khi EU đang trong giai đoạn đàm phán cuối về kế hoạch thắt lưng buộc bụng khí đốt, tập đoàn Gazprom của Nga thông báo giảm nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream 1 vì lý do kỹ thuật. Quyết định này khiến đường ống Nord Stream 1 chỉ còn vận hành với 20% tổng công suất.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, EU quyết định loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch từ nước này vì cho rằng chúng đem lại nguồn tài chính chủ chốt phục vụ chiến dịch quân sự của Moskva.
Đối với nhiều nước thành viên EU, chấm dứt sử dụng khí đốt Nga là lựa chọn rất khó khăn. Trước khi chiến sự tại Ukraine bùng phát, Nga cung cấp 40% khí đốt cho châu Âu và 55% lượng khí đốt của Đức, dù tỷ lệ này đã giảm trong thời gian qua.
Các thành viên EU có cơ cấu nguồn cung năng lượng rất khác nhau, một số nước gần như phụ thuộc 100% vào khí đốt Nga, trong khi những quốc gia khác không sử dụng nguồn nhiên liệu này.
Các quốc gia ít sử dụng hoặc không dùng năng lượng Nga phản đối động thái thắt lưng buộc bụng, vốn được thiết kế để bù đắp thiệt hại cho những nước từng hưởng lợi từ nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga trong nhiều năm.
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hai nước gần như không kết nối với mạng lưới khí đốt của EU, cho rằng mục tiêu cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt được áp dụng cho toàn bộ liên minh là không công bằng.
Hungary, đồng minh lâu năm của Nga, phản đối kế hoạch tiết kiệm khí đốt. Pháp, Luxembourg và Hà Lan ủng hộ kế hoạch, do lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế của toàn châu lục bắt nguồn từ tổn thất của nền kinh tế Đức khi thiếu khí đốt Nga.
EU tiết kiệm được bao nhiêu năng lượng?
Theo ước tính của Ủy ban châu Âu, nếu EU giảm sử dụng 15% khí đốt, các quốc gia thành viên liên minh có thể tiết kiệm 45 tỷ m3. Con số này có thể thấp hơn nếu các thành viên áp dụng quyền miễn trừ hoặc tham gia với mức độ ít hơn.
Giới chức EU khẳng định ngay cả khi tất cả quốc gia tận dụng đầy đủ quyền miễn trừ, kế hoạch vẫn giúp liên minh vượt qua mùa đông với độ lạnh trung bình.
Mục tiêu giảm 15% tiêu thụ khí đốt được đưa ra nhằm giúp EU vượt qua mùa đông rất lạnh. EU trong thời gian tới sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin dự báo thời tiết dài hạn trong các báo cáo dự đoán triển vọng kinh tế của mình.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Các chuyên gia cho rằng mùa đông 2022-2023 sẽ nhiều khó khăn, đặc biệt nếu nhiệt độ giảm sâu. Họ cũng lo ngại mùa đông năm sau có thể tồi tệ hơn, nếu Nga tiếp tục giảm nguồn cung khí đốt. Dự trữ khí đốt của EU đang ở mức 66%, song có thể cạn kiệt nghiêm trọng vào cuối mùa xuân năm sau với ít lựa chọn thay thế hơn.
Giới chức EU cho rằng khoảng trống khí đốt Nga có thể được lấp đầy bằng đường ống từ Na Uy và Azerbaijan, cũng như các đội tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng từ những nơi xa như Mỹ, kết hợp với cắt giảm nhu cầu tiêu thụ ở châu Âu.
Kế hoạch thắt lưng buộc bụng khí đốt ban đầu dự kiến kéo dài hai năm, song chính phủ các nước thành viên EU đã giảm thời gian áp dụng xuống một năm. Sau mùa đông năm nay, họ sẽ phải thảo luận kế hoạch khí đốt tiếp theo cho mùa đông 2023-2024.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)