Trong nỗ lực giải quyết số ca nhiễm gia tăng và tình trạng thiếu vaccine, nhiều nước thử nghiệm tiêm trộn hai liều khác nhau để tăng cường khả năng miễn dịch và thu hẹp khoảng cách tiêm phòng.
EMA không khuyến nghị cụ thể về liều lượng, nhưng cho rằng các quốc gia nên tính đến một số điều kiện.
"Để đáp ứng nhu cầu thực tế vào tăng tỷ lệ tiêm chủng bao phủ, mỗi nước có thể điều chỉnh chiến lược dựa trên tình hình dịch tễ, sự lưu hành của biến thể và độ hiệu quả của vaccine", EMA cho biết.
Nghiên cứu của Đại học Oxford hồi tháng trước cho thấy tiêm vaccine Pfizer sau liều đầu AstraZeneca 4 tuần tạo phản ứng miễn dịch tốt hơn so với hai liều AstraZeneca.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh EU (ECDC) ước tính biến thể Delta sẽ chiếm 90% số chủng lưu hành trong tại các nước thành viên vào cuối tháng 8. Biến thể lần đầu được xác định ở Ấn Độ, khiến số ca nhiễm toàn cầu gia tăng, đe dọa triển vọng phục hồi nền kinh tế.
Song cơ quan quản lý châu Âu chưa bình luận về việc liệu có nên tiêm vaccine tăng cường hoặc nhắc lại hay không.
"Chúng tôi luôn làm theo khoa học, tham khảo đánh giá từ ECDC, EMA và các chuyên gia, song cũng cần chuẩn bị tinh thần cho liều vaccine bổ sung", một phát ngôn viên Ủy ban châu Âu nhận định.
EMA đã nỗ lực tìm hiểu tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của vaccine Covid-19. Ngày 14/7, cơ quan ghi nhận 9 ca giảm tiểu cầu miễn dịch sau tiêm vaccine Moderna. Dù vậy, mối liên hệ còn chưa rõ ràng. Các chuyên gia sẽ tiếp tục theo dõi các trường hợp, nhấn mạnh lợi ích vaccine lớn hơn rủi ro.
Hồi tháng 3, EMA cũng xem xét tình trạng tự miễn với lượng tiểu cầu trong máu thấp, dẫn đến bầm tím và xuất huyết ở người đã tiêm vaccine AstraZeneca, Pfizer và Moderna.
Thục Linh (Theo Reuters)