Gần 100 đại học công bố xét tuyển học bạ năm 2024, đó là thống kê mới nhất về phương án xét tuyển đại học của các trường trên cả nước. Xét học bạ là phương thức tuyển sinh phổ biến những năm gần đây. Năm 2022, gần 40% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức này. Nhiều trường nhận định đây là phương thức phù hợp, vừa thuận tiện, vừa giảm áp lực. Lực học của sinh viên trúng tuyển bằng học bạ cũng không chênh lệch nhiều so với sinh viên vào trường theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, lo ngại về chất lượng sinh viên khi ngày càng nhiều đại học xét tuyển bằng học bạ, độc giả Trương Quang Nhật bày tỏ: "Xét học bạ là phương thức tạo ra nhiều hệ lụy với giáo dục phổ thông hiện tại. Cùng một địa phương, các trường cấp ba có điểm đầu vào càng thấp thì đầu ra học bạ lại càng cao, đây là nghịch lý rất đau đớn cho các trường học thật, dạy thật".
Phản biện lại quan điểm này, bạn đọc Anna Mai phân tích: "Chẳng có gì là nghịch lý và đau đớn cả. Trường Đại học nếu đào tạo ra con người không làm việc được với tấm bằng tốt nghiệp trong tay thì trường đó sẽ tự hạ uy tín. Người học mà không tự lượng được sức mình thì cũng không thể làm việc đúng với tấm bằng của mình. Rất nhiều người thế hệ 8X, 9X có bằng Đại học nhưng cuối cùng phải làm công nhân, hoặc làm trái ngành. Thế nên, thị trường sẽ làm sáng rõ giá trị của mỗi trường và tấm bằng cử nhân mà người học cầm trên tay".
Cũng ủng hộ phương án xét tuyển học bạ, độc giả Khánh An nhận định: "Bản chất là các trường đại học tự chủ tài chính nên rất cần đầu vào sinh viên nhiều để có thể tồn tại và tự nuôi sống mình. Thế nên, phương thức xét học bạ là dễ nhất, an toàn nhất, thu hút được nhiều người học nhất so với các hình thức khác".
>> Những sinh viên ngành ngôn ngữ nhưng kém ngoại ngữ vì xét tuyển học bạ
Nhìn nhận câu chuyện tuyển sinh đại học với một cái nhìn cởi mở hơn, bạn đọc Quangtuyen bình luận: "Có tiền học và có khả năng hoàn thành khối lượng học tập ở trường đại học là các em có thể đi làm. Mọi người đừng có quan niệm muốn vào đại học là phải giỏi theo kiểu thi đánh đố nữa. Em nào nhà nghèo mà giỏi thì có thể cố đạt học bổng để bù lại. Những ngành mang tính chất học thuật hay nghiên cứu mới thật sự cần học sinh giỏi, còn những ngành ra đi làm bình thường thì cũng chỉ như học nghề thôi. Hai năm học nghề với hệ trung cấp thì bốn năm với hệ đại học.
Cái các trường Đại học cần cải thiện bây giờ là chất lượng đào tạo, sao cho các em ra trường có nghiệp vụ vững chắc để làm việc trong thực tế. Sau bốn năm đại học, ít nhất các em phải đạt được trình độ 1-2 năm kinh nghiệm chuyên ngành. Còn đã bỏ tiền ra học đại học rồi, mà vẫn phải tự ra ngoài để kiếm kinh nghiệm thì có gì đó không đúng".
Đồng quan điểm, độc giả Dinhtuyen chỉ ra yếu tố quan trọng nhất của giáo dục đại học: "Chúng ta không nên quá lăn tăn về câu chuyện vào đại học dễ hay khó nữa, mà nên quan tâm đến việc siết chặt đầu ra. Cứ sinh viên nào đủ năng lực mới cho tốt nghiệp, không thì sẽ bị giữ bằng, khi đó ắt sẽ không phải lo việc đầu vào dễ dãi nữa. Vấn đề là Bộ Giáo dục và Đào tạo có làm được việc đó hay các trường có chịu đồng lòng thực hiện hay không mà thôi?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.