Gần đây có thông tin "mỗi học sinh đi ngoại khóa thì giáo viên chủ nhiệm được trích lại 10.000 đồng". Vị chi mỗi lớp (tối đa) 50 học sinh thì số tiền giáo viên nhận được là 500.000 đồng.
Với số tiền khoảng 10 tô phở bình dân như thế chẳng bõ bèn gì, nhưng sự việc gây ảnh hưởng xấu đến bộ mặt ngành giáo dục nói chung, hoạt động trải nghiệm nói riêng, và đặc biệt là uy tín của nhà giáo, hình như bị "rớt giá" một cách thảm hại.
Tôi tin rằng, số tiền (tối đa) 500.000 đồng ấy, không có giáo viên nào đòi hỏi, và nếu có nhận được một số tiền nào đấy được chia lại, cũng ít có giáo viên chủ nhiệm nào bỏ túi, mà sẽ sòng phẳng, rõ ràng cho vào quỹ lớp, hoặc dùng số tiền đó mua đồ ăn vặt cho học trò trong chuyến trải nghiệm, thậm chí bỏ tiền túi ra để "bao" học trò của mình mà không có sự tính toán thiệt hơn.
Thế nên, việc quy kết vội vàng giáo viên chủ nhiệm vì số tiền cỏn con ấy để buộc học trò tham gia trải nghiệm là sự bất công với nhà giáo, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của nghề dạy học.
Sự việc lý ra nên nhìn vào gốc rễ của nó, là việc lãnh đạo trường đem thi đua cuối năm ra để ép giáo viên hoàn thành "chỉ tiêu" số lượng và việc thu tiền học trò cho hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.
Bản chất của thi đua là tạo động lực, sự cố gắng cho cá nhân, tập thể khi được sự đánh giá xứng đáng với công sức bỏ ra, sự ghi nhận các giá trị của công việc và được khen thưởng xứng đáng cho những nỗ lực đó.
Nhưng trong trường hợp này, lãnh đạo trường chưa đúng trong việc dùng thi đua để buộc giáo viên đảm bảo số lượng học sinh tham gia một hoạt động "tự nguyện", trong lúc việc đánh giá thi đua phải tuân thủ quy chế thi đua của nhà trường và của cả một hội đồng, chứ không phải các quy định tùy tiện, chủ quan mang tính áp đặt.
Ngoài ra, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, thế nên việc yêu cầu học sinh đóng thêm tiền, có thể lựa chọn tự nguyện đi, và nếu không đi thì tự viết thu hoạch có lẽ phải xem xét lại.
Bởi lẽ nhà trường phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tất cả học sinh đều được tham gia - miễn phí các hoạt động giáo dục nằm trong khuôn khổ của chương trình. Việc xoay sở kinh phí, liệu cơm gắp mắm sao cho phù hợp là việc của lãnh đạo nhà trường, không thể trút gánh nặng tài chính sang gia đình học sinh, và gánh nặng "ép" học trò đi đông, đi đủ sang giáo viên .
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn 2 năm để "chạy" hết cho tất cả các khối lớp, nhưng những bất cập, lúng túng vẫn chưa được giải quyết, xử lý triệt để, rốt ráo.
Thế nên theo tôi cần sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của những bộ ngành có liên quan để điều chỉnh, định hướng kịp thời, nhất là với hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, để hoạt động này có hiệu quả thực sự về mặt giáo dục chứ không phải là một gánh nặng tài chính nữa đè lên gia đình học sinh, hay thêm áp lực thi đua khác cho nhà giáo.
Hiếu Quân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.