Khi còn là học sinh, tôi đạt khá nhiều giải thưởng và thành tích về cho trường. Nhiều năm liền, tôi được nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh. Cũng không có gì bất ngờ, điểm thi đại học năm ấy của tôi đủ sức vào các trường top đầu.
Khi biết tôi nộp hồ sơ vào trường sư phạm, người khuyên can tôi lại chính là những thầy cô của tôi. Trong mắt thầy cô và bạn bè, tôi có khả năng lựa chọn nhiều trường, nhiều ngành tốt hơn là theo nghề giáo.
Đứng trước sự lựa chọn quan trọng của đời mình, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng tôi muốn trở thành một giáo viên và ngành Sư phạm sẽ hợp với tôi.
Sau bốn năm miệt mài trên giảng đường đại học, tôi cũng cầm trên tay tấm bằng Cử nhân Sư phạm loại giỏi. Nhưng điều làm mọi người bất ngờ, là sau khi tốt nghiệp tôi lại không theo nghề.
Tôi thường xuyên nhận được nhiều thắc mắc và câu hỏi của những người xung quanh, họ không hiểu tại sao sau khi tốt nghiệp tôi lại không đi dạy mà lại chọn đi làm công việc trái ngành.
Trong suy nghĩ của mọi người, nghề giáo là một công việc nhàn hạ, ổn định, nghề mà "chín tháng làm, ba tháng nghỉ". Cũng vì ban đầu, xuất phát từ chính tình yêu với nghề giáo, mà tôi luôn nỗ lực học tập. Để rồi giờ đây, mọi người cảm thấy tiếc cho một tân Cử nhân không làm đúng ngành mình đã theo đuổi.
Quả đúng như câu nói "Người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt". Có nhiều lí do khiến tôi không theo nghề sau khi tốt nghiệp. Nhưng để đi đến quyết định như vậy, chính bản thân tôi cũng đã trải qua đủ đắng, cay, ngọt, bùi của nghề giáo mang lại. Tôi có cơ hội trở thành giáo sinh thực tập tại một trường trung học cơ sở ở thành phố tôi đang học tập. Khi được học sinh gọi là "thầy", tôi mới thấu hiểu sức nặng từ trách nhiệm của một nhà giáo.
Nghề giáo không chỉ đòi hỏi người thầy phải vững vàng về tri thức, mà còn phải chuẩn mực trong đạo đức. Dưới con mắt của xã hội, họ nhìn nghề giáo với một suy nghĩ áp đặt, họ bắt thầy cô phải sống như một vị thánh, phải "mười phân vẹn mười". Nhưng giáo viên cũng chỉ là con người, mà đã là con người thì "Nhân vô thập toàn".
Ngày nay với tình trạng "thầy không ra thầy, trò không ra trò", một số bộ phận giáo viên có đạo đức đi xuống. Thêm vào đó, những năm gần đây, ngành giáo dục được sự quan tâm đặc biệt của cả xã hội.
Khi có một sự việc gì xảy ra, nghề giáo đứng trước bão tố của dư luận, được cả xã hội mang ra mổ xẻ, và ánh mắt của mọi người nhìn nghề giáo lại càng khắt khe hơn.
Điều làm tôi cảm thấy sốc là truyền thống "Tôn sư trọng đạo" dường như đang bị mai một. Tôi từng chứng kiến phụ huynh xông vào trường đánh giáo viên, bắt giáo viên phải xin lỗi học sinh. Liệu rằng câu ca dao "Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy" có còn giá trị?
Thời chúng tôi đi học, dù có nghịch đến mấy cũng sợ thầy cô một phép. Vì khi ấy thầy cô nghiêm khắc để chúng tôi nên người. Ngày nay thầy cô không chỉ "giơ cao đánh khẽ", mà thậm chí còn không dám phạt học sinh vì sợ những hậu quả sau đó. Vô hình chung, biến những người giáo viên trở thành cổ máy biết nói, đến lớp chỉ để truyền đạt kiến thức, mà tước đi quyền được giáo dục của thầy cô.
Thực trạng từ những người bạn xung quanh tôi, sau khi tốt nghiệp, cứ mười đứa thì hết ba đứa bỏ nghề và làm trái ngành, bảy đứa còn lại thì chọn đi dạy. Nhưng trong những con người lựa chọn trở thành giáo viên, có ai thật sự yêu nghề, hay chỉ theo nghề với lí do học xong ra phải làm đúng ngành, sợ bị mọi người xung quanh bàn tán, cũng có thể là chưa tìm được công việc khác.
Tôi thường xuyên được nghe những lời tâm sự từ những người bạn đang đi dạy, đa số là những than vãn, áp lực, bất mãn mà họ đang phải chịu. Khi còn học Đại học, bao nhiêu khó khăn, gian khổ chúng tôi đều có thể vượt qua. Vậy mà giờ đây có những giọt nước mắt phải rơi vì ngày đêm giáo án, sổ sách, thành tích thi đua, áp lực từ học sinh, từ gia đình...
Bên cạnh đó, áp lực từ cơm, áo, gạo, tiền đang đè nặng lên vai những thầy cô. Có một thực tế mà ai cũng biết, mặc dù lương giáo viên không cao, nhưng chưa nghe có ai phải chết đói. Dẫu vậy để sống đủ và dư với đồng lương của nghề giáo thì chưa ai bảo đảm. Để có thể tiếp tục sự nghiệp trồng người, thầy cô phải làm thêm nhiều công việc khác mới đủ để chi tiêu và lo cho gia đình.
Như thầy của tôi, mỗi ngày phải thức dậy lúc ba giờ sáng để kịp gánh rau ra chợ bán, mà rau đó từ một tay thầy trồng và chăm sóc. Sau phiên chợ thì thầy tiếp tục công việc giảng dạy, rồi lại tranh thủ tất bật với công việc của một người nông dân. Tối đến thay vì được nghỉ ngơi, thì thầy phải lo chuẩn bị giáo án, hồ sơ, chấm bài. Tôi cảm thấy thật khâm phục những thầy cô, tuy vất vả nhưng vẫn cố gắng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Biết rằng để trồng một cái cây ra hoa kết quả còn khó, huống gì là sự nghiệp trồng người.
Vậy khi nào thầy cô mới nhận được đồng lương xứng đáng với công sức mình bỏ ra? Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, tôi trở về thăm lại cô chủ nhiệm nay đã về hưu. Khi biết tôi tốt nghiệp nhưng không theo nghề, cô không hỏi lý do tại sao, mà chỉ nói với tôi một câu đầy chua xót: "Nghề giáo bạc bẽo lắm em ơi!".
Với hơn ba mươi năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, điều mà cô chiêm nghiệm lại sau tất cả lại là hai chữ "bạc bẽo". Bây giờ tôi mới thấu hiểu tại sao ngày ấy thầy cô lại khuyên can tôi, không muốn tôi theo nghề mà họ đang làm. Tuy không thể theo nghề giáo, nhưng trong trái tim tôi, nghề giáo vẫn thiêng liêng và cao quý. Như chính câu nói của Đôn-ki-xtôi: "Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học".
Trong bối cảnh giáo dục còn nhiều bất cập, xin quý thầy cô đừng đánh mất đi niềm hy vọng. Vì hy vọng sẽ dẫn lối và hướng chúng ta đến những điều tốt đẹp hơn. Tôi tin sẽ có một ngày nền giáo dục nước nhà sẽ thăng tiến và ánh vầng dương sẽ chiếu rọi trên sự nghiệp trồng người.
Để đạt được điều đó, phần lớn là nhờ công sức của thầy cô. Và nếu muốn thay đổi thế giới, đầu tiên hãy thay đổi chính mình. Xin quý thầy cô luôn nhớ rằng "nghề giáo là nghề dùng nhân cách giáo dục nhân cách".
Mong các thầy cô giữ tâm luôn sáng, trí luôn thẳng; vững bước và kiên trung trong sự nghiệp trồng người.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.