Bài viết Suýt đánh nhau vì một dĩa bánh căn Đà Lạt nói về thực trạng du khách chưa hài lòng về cung cách, thái độ phục vụ của một số quán ăn tại các địa điểm du lịch. Từ đó, nếu chủ quán hoặc du khách không kiềm chế thì sẽ xảy ra cãi vã, gây gổ.
Sau bài viết, độc giả hồng hà nêu quan điểm cho rằng du khách cần thông cảm với các quán ăn nhỏ, bán vỉa hè...vì nhiều lý do khách quan khiến họ không thể chiều lòng tất cả các "thượng đế":
"Nhiều người đi du lịch, vào quán vỉa hè mà cứ đòi hỏi như nhà hàng khách sạn năm sao. Tôi cũng từng làm du lịch và rất dị ứng với loại khách như thế này.
Chính vị khách kia cũng suýt đánh lộn chỉ vì hai đĩa bánh căn không đúng ý đó thôi. Đĩa bánh căn không đáng bao nhiêu tiền mà phải gây gổ, quán người ta hết xíu mại thì cũng nên thông cảm một tí, người ta kinh doanh vỉa hè chứ nào phải cao cấp gì mà cứ bắt bẻ đòi hỏi một cách quá đáng cơ chứ.
Bạn bè tôi cũng y chang thế, cũng yêu cầu đòi hỏi bất chấp hoàn cảnh, kiểu bỏ tiền mua mâm thì phải đâm cho thủng. Nên nhiều lúc tôi cũng không ngại mà nói thẳng luôn, cần phải làm một vị khách lịch sự và biết cảm thông chứ không phải chỉ biết đòi hỏi và cằn nhằn.
Nhiều lúc, với quán bình dân thì đòi hỏi vẻ cao sang chứ vào nơi cao cấp sang trọng lại ngoan ngoãn và chẳng biết đòi hỏi cái gì, tôi cũng gặp nhiều rồi".
Phản biện lại quan điểm trên, độc giả langduphong0612 có nickname nói:
"Tôi nghĩ bạn đã hiểu nhầm ý tác giả. Tác giả chỉ phản ánh phong cách phục vụ không chuyên nghiệp và có phần "moi tiền" từ đa số các hàng quán ở Việt Nam. Câu "khách hàng là thượng đế" đòi hỏi người bán đầu tiên phải tôn trọng khách hàng, sau đó mới là khách hàng tôn trọng lại người bán.
Điều này thể hiện ở việc người làm dịch vụ, buôn bán phải thành tâm. Ở nội dung bài viết, thay vì nói không đủ xíu mại và lịch sự hỏi thực khách ăn bánh căn không có xíu mại được không, hoặc ăn món khác, thì chủ quán lại lẳng lặng mang ra hai cái bánh căn không xíu mại.
Khi thực khách phản ánh, ông ta cau có bảo "bánh đã gọi rồi không được trả lại", thế chẳng khác nào ép buộc khách mua món hàng không như ý, và đây là dấu hiệu lừa đảo. Vì sao không báo với khách là không đủ xíu mại làm sáu cái bánh căn mà lại im ỉm đổ bánh rồi ép khách trả tiền cho món hàng mà họ không muốn?
Người khách tức giận vì họ nhận ra mình bị lừa, và lỗi ở đây hoàn toàn từ người bán bánh căn chứ không phải từ vị khách. Chẳng ai vào quán vỉa hè lại yêu cầu phục vụ như nhà hàng năm sao. Nếu có người như thế, chủ quán hoàn toàn có thể từ chối bán hàng.
Do vậy đừng chỉ đứng ở góc độ người làm dịch vụ du lịch mà phê phán các vị khách. Tôi thấy hành vi "muốn lật bàn" của họ là đúng, vì dù không muốn ăn bánh căn "chay" nhưng họ vẫn phải trả tiền. Chẳng ai thích bị xem thường và bị lừa dối cả.
Trong khi đó, độc giả có nickname balv.nc chủ trương "dĩ hòa vi quý":
"Du lịch bình dân thì dễ gặp những trường hợp như mọi người nói, còn vào khách sạn cao cấp, resort thì không có, chỉ phải cái đắt tiền hơn... Nói chung du lịch trong nước là chuẩn bị đối mặt với chặt chém, bắt ép, thậm chí phản ứng, phản đối còn bị đòn ấy chứ...
Tốt nhất là tính toán trước khả năng rắc rối để tránh là hơn, gắng chịu thiệt một chút nếu không có gì to tát, coi như của đi thay người, nhất là mình đi với trẻ con, phụ nữ...".
Hữu Nghị tổng hợp
*Quan điểm của bạn thế nào?
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.