Tôi nhớ mãi lần đi xe khách TP HCM - Đà Lạt, tài xế chạy vun vút mà hoảng sợ. Lần đó tôi lên xe lúc 11h30 khuya, nhưng 3h là đã đến nơi. Sau khi vượt đèo Bảo Lộc, tài xế cứ thế nhấn ga, xe lao đi vun vút trong đêm.
Tôi nằm ở hàng giường đầu, mắt cứ thao tháo nhìn về phía trước mà không sao ngủ được. Trong khi đó, các hành khách đi cũng có lẽ không cảm nhận được nỗi sợ nên ngủ say.
Khoảng cách TP HCM - Đà Lạt là hơn 307 km, tài xế chỉ mất chưa đến bốn tiếng đồng hồ để đến đích. Làm phép tính đơn giản, vận tốc trung bình gần 90km/giờ. Vận tốc này lẽ ra sẽ bình thường nếu đi trên đường cao tốc, còn đây là đường dân sinh, nổi tiếng với đèo, dốc, khúc cua nguy hiểm.
>>'Không nên nâng Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt lên cao 28 m'
Những lần khác đi xe lên Đà Lạt, tôi thấy chỗ để búa thoát hiểm nhưng không có chiếc búa nào. Trên xe, không ai quan tâm đến việc có búa đập kính để thoát hiểm hay không. Tôi thắc mắc với tiếp viên thì họ bảo không sao đâu. Bạn đồng hành thì cho rằng tôi nói gở, đi xe cộ đường dài mà hỏi chuyện có điềm không lành.
Tôi ngán ngẩm và không muốn tranh cãi. Về lý thuyết, bước ra đường là có nguy cơ gặp tai nạn. Ngộ nhỡ gặp chuyện, lúc mắc kẹt trong xe mới nhớ đến chiếc búa đập kính để thoát ra ngoài thì đã muộn.
Những lần sau này, muốn đi Đà Lạt thì tôi chủ động săn vé máy bay giá rẻ. Tốn chút tiền hơn đi xe khách thẳng tuyến nhưng yên tâm hơn.
Nói về giao thông trên đường đến Đà Lạt, những mối nguy hiểm tiềm tàng còn có những chiếc xe chở rau. Đến nỗi, giới tài xế, người đi đường thường truyền tai nhau câu "Nhất xe khách Cà Mau, nhì xe rau Đà Lạt" để nói về thói phóng nhanh, vượt ẩu.
Tôi chưa có dịp trải nghiệm xe khách đi Cà Mau để kiểm chứng, nhưng đi Đà Lạt đã nhiều lần bằng xe khách nên tôi cảm nhận xe khách, xe rau Đà Lạt tiềm ẩn sự mất an toàn.
Cùng chung tuyến đường có ôtô, xe máy, xe khách... nhưng xe rau Đà Lạt từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân sinh sống dọc hai bên quốc lộ 20, cũng như du khách đi từ TP HCM đến Đà Lạt.
Trên mạng, thỉnh thoảng có vài video chia sẻ xe khách, xe rau Đà Lạt, phóng nhanh, vượt ẩu trên đèo Bảo Lộc, trên quốc lộ 20. Ai nấy cũng cảm thán rồi thôi. Cái tư duy làm văn truyền miệng "Xe khách Cà Mau, xe rau Đà Lạt" mang tính chất cảnh báo hay nói cho vui? Nếu như cảnh báo mà thực trạng nêu ra vẫn còn tồn tại, từ ngày này qua ngày khác thì đó là lỗi của ai?
Đừng đợi đến khi xảy ra một vụ tai nạn xe khách thảm khốc xảy ra trên đường đến Đà Lạt thì mới thương xót, giật mình và nghĩ lại thế nào là an toàn.
Quảng Văn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.