Khi vaccine Covid-19 bắt đầu được cung cấp miễn phí cho người dân ở Thẩm Dương, phía đông bắc Trung Quốc vào cuối tháng 4, bà nội trợ Li Tingting cảm thấy không cần phải tiêm. Nơi cô ở không ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng trong nhiều tháng. Li cũng chỉ thường ra khỏi nhà lúc đi chợ và nghĩ chỉ cần đeo khẩu trang là đủ.
Tuy nhiên, Li đã thay đổi suy nghĩ khi ba cư dân của thành phố nhiễm nCoV trong đợt bùng phát gần đây. Không riêng Li, nhiều người khác cũng cảm thấy như vậy.
Li đã đến trung tâm tiêm chủng ba lần để tiêm vaccine nhưng đều không thành công. "Lần nào tôi cũng đến trước 10h sáng, nhưng đã có ít nhất 500 người xếp hàng đợi trước. Một số phụ nữ lớn tuổi thậm chí xếp hàng từ 5h sáng. Không có đủ vaccine cho mọi người", cô nói.
Cảnh tượng tương tự diễn ra trên khắp Trung Quốc, khi nhiều người vượt qua những ngần ngại ban đầu để quyết định tiêm chủng. Một số thậm chí đến các thành phố khác để tìm cơ hội tiêm vaccine. Nhu cầu lớn của người dân là một trong những lý do Trung Quốc quyết theo đuổi mục tiêu tiêm chủng cao cần thiết để mở cửa đất nước.
Chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc có khởi đầu rất chậm chạp. Đến tháng 3, nước này mới chỉ tiêm được cho 3,56% dân số. Tuy nhiên, quốc gia 1,4 tỷ dân này quyết tâm tăng cường tiêm chủng từ giữa tháng ba, với mục tiêu tiêm cho 40% dân số trước cuối tháng 6.
Kể từ khi tăng cường sản xuất vaccine vào tháng 5, Trung Quốc tiêm chủng trung bình 18,25 triệu liều mỗi ngày trong tháng 6. Tính tới ngày 20/6, Trung Quốc đã tiêm 1,01 tỷ liều vaccine.
Trong giai đoạn đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà, Trung Quốc mất 25 ngày để tiêm cho 100 triệu người, nhưng nay chỉ cần 6 ngày. Chiến dịch từng chậm trễ một phần do sự hoài nghi của công chúng về vaccine. Khảo sát của Morning Consult trong tuần từ 8/6 cho thấy 54% người Trung Quốc tham gia phỏng vấn nói rằng họ không chắc chắn về việc có nên tiêm vaccine hay không, do lo ngại phản ứng phụ.
Các nhà nghiên cứu cho biết nhu cầu cao về vaccine không có nghĩa là công chúng bớt hoài nghi. Tuy nhiên, nhiều người bỏ qua những lo ngại để tiêm vaccine sau khi chứng kiến các đợt bùng phát ở Liêu Ninh, An Huy và Quảng Đông đã thổi bay suy nghĩ Covid-19 hoàn toàn được kiểm soát ở Trung Quốc.
"Có rất nhiều động lực khiến mọi người chần chừ tiêm chủng, nhưng nhận thức cá nhân về mối đe dọa của dịch bệnh là điều rất quan trọng. Các đợt bùng dịch có thể mang lại cảm giác cấp bách phải tiêm chủng, dù họ không hoàn toàn vượt qua tất cả rào cản để chấp nhận vaccine", Alex Cook, phó giáo sư Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói.
"Tỷ lệ chấp nhận vaccine cao ở nhóm người sợ Covid-19. Mọi người tiêm chủng sau khi cân nhắc lợi ích và rủi ro, đặc biệt là sau đợt bùng phát ở Quảng Châu", Zhuang Shilihe, chuyên gia tại công ty tư vấn Saint Lucia Consulting ở thành phố Quảng Châu, nói.
Giáo sư Jin Dongyan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong, cho biết vẫn còn hoài nghi và chần chừ trong công chúng, nhưng Bắc Kinh có thể thuyết phục được người dân.
"Tại Trung Quốc, nếu chính quyền quyết tâm làm điều gì, họ sẽ thực hiện rất thành công. Đó là nhờ sự tín nhiệm và lợi thế của hệ thống xã hội kinh tế của họ. Giống như việc xóa đói giảm nghèo, không quan trọng họ đã làm thế nào, nhưng vẫn đạt được mục tiêu", Jin nói.
Để đạt được mục tiêu 40% dân số tiêm chủng vào cuối tháng 6, chính quyền địa phương ở những nơi không có dịch bùng phát đang cung cấp nhiều ưu đãi để khuyến khích tiêm vaccine. Phiếu giảm giá, dầu ăn, sữa, trứng và thậm chí giấy ăn được sử dụng làm quà tặng cho bất kỳ ai tiêm đủ hai liều. Những cửa hàng và tòa chung cư có ít nhất 80% người tiêm chủng sẽ được ca ngợi, trong khi một số khu phố thậm chí công khai biểu dương những người ngoài 60 tuổi tiêm vaccine.
Ở một số nơi, việc tiêm chủng gần như bắt buộc. Dù giới chức y tế nói tiêm vaccine là tự nguyện, những người làm trong tổ chức công, công ty nhà nước, cơ quan chính quyền hoặc dịch vụ thiết yếu không có lựa chọn nào khác ngoài tiêm chủng trừ khi không đủ điều kiện sức khỏe.
Những người không tiêm vaccine có thể đối mặt với một số rắc rối. Một số thành phố và quận ở tỉnh Hà Bắc đầu tháng này thông báo chỉ những cư dân có thể chứng minh đã tiêm chủng và không đến nơi có dịch bùng phát mới được phép tới các địa điểm công cộng như bệnh viện, siêu thị, nhà hàng và rạp chiếu phim.
Một số trung tâm thương mại và tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh và Thượng Hải cũng từng chỉ cho phép người tiêm chủng ra vào, dù sau đó phải dỡ bỏ do vấp phải khiếu nại.
Khả năng thuyết phục người dân tiêm chủng của Trung Quốc có thể giúp nước này đạt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số vào cuối năm nay, theo Jin. Điều này trái ngược với tình hình ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực, như Nhật Bản và đặc khu Hong Kong, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp dù nguồn cung vaccine dồi dào.
Tiến sĩ Khor Swee Kheng, chuyên gia về chính sách y tế từ Malaysia, cho rằng kết quả tiêm chủng khác nhau là do tác động khác nhau của niềm tin và văn hóa xã hội đối với chính phủ. Ngoài ra, tiến sĩ Malaysia cho rằng chất lượng y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẵn có ở cả Hong Kong và Nhật Bản cũng có thể là lý do khiến mọi người cảm thấy vaccine không quá quan trọng.
Baruch Fischhoff, giáo sư Viện Chính sách và Chiến lược Đại học Carnegie Mellon, nói truyền thông cũng đóng một phần quan trọng trong thành công của chiến dịch tiêm chủng.
"Thành công của chương trình tiêm chủng và nhiều khía cạnh khác của phản ứng xã hội phụ thuộc rất nhiều vào báo chí có trách nhiệm, độc lập và đáng tin cậy", Fischhoff nói.
Tại Thẩm Dương, bà nội trợ Li Tinging vẫn tiếp tục chờ đợi cơ hội để có thể tiêm một liều vaccine nội địa.
"Tất cả các loại vaccine bây giờ đều dành cho những người tiêm mũi thứ hai. Tôi sẽ cố thử vận may vào tháng 7, khi họ bắt đầu đợt tiêm chủng mới", cô nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)