Sau một năm làm việc tại TP HCM, Nhân đã lên kế hoạch về quê ở Huế để thăm gia đình và vui chơi du xuân. Tuy nhiên, đến 29 Tết, chàng trai bắt đầu mệt mỏi, chán ăn, sau một ngày thì nổi mụn nước và lan ra toàn thân, cảm giác ngứa khó chịu kèm sốt nhẹ.
Bác sĩ chẩn đoán mắc thủy đậu, yêu cầu cách ly với gia đình để tránh lây nhiễm. Tuy nhiên, mẹ của Nhân cũng dần có nốt mụn thủy đậu, còn người cha không bị lây. Những ngày Tết, mẹ con cách ly ở nhà, gác lại mọi dự định chúc Tết, thăm quê hoặc tiếp khách.
Lần đầu mắc thủy đậu, Nhân cho biết "rất khổ sở". Cơ thể luôn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu đến mức chỉ muốn gãi một cái. Song chàng trai sợ trầy da, nhiễm trùng nên đã cố gắng kiềm lại, vệ sinh da và các nốt mụn thật sạch. Nhờ chăm sóc kỹ, các nốt thủy đậu đã đóng vảy và bắt đầu lành.
Nhân cho biết từng được công ty khuyên tiêm vaccine thủy đậu nhưng từ chối do sợ tiêm đau và bệnh ít gặp.
"Đây là cái Tết buồn nhất trong mấy năm qua, chỉ cách ly ở nhà, lên mạng xem phim và lướt mạng. Thậm chí, tôi còn lây và làm ảnh hưởng tới gia đình, biết vậy sẽ không chủ quan, cứ tiêm vaccine cho chắc", Nhân nói.

Triệu chứng bệnh thủy đậu. Ảnh: Freepik
Còn Thanh Ngọc (27 tuổi, Quảng Trị) cho biết các nốt thủy đậu nổi ngay mùng 2 Tết khiến cô bỏ dở kế hoạch đến thăm gia đình bạn trai và đón Valentine vào 14/2. Hiện Ngọc vẫn đang duy trì bôi thuốc, sức khỏe ổn định nhưng tiếc nuối vì bỏ qua lịch hẹn quan trọng và lo lắng các nốt mụn nước sẽ để lại sẹo thâm khó trị trên mặt.
"Tết năm nay, tôi và bạn trai dự định ra mắt hai bên để giữa năm làm đám cưới. Chúng tôi muốn tranh thủ thời gian Tết luôn, không đi lại nhiều tránh tốn kém. Hai bác động viên nhưng tôi vẫn buồn", Ngọc nói.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, virus Varicella Zoster gây bệnh thủy đậu thường hoạt động mạnh, gây bệnh khi giao mùa, vào mùa đông và kéo dài đến hết mùa xuân hàng năm. Người chưa từng mắc hoặc chưa từng tiêm vaccine đều có khả năng mắc bệnh.
Thủy đậu lây qua đường hô hấp. Trong bối cảnh dịp Tết, lễ hội và du xuân, người dân tăng đi lại, giao lưu, thuận lợi cho virus lây lan. Bệnh lành tính, triệu chứng ít nghiêm trọng song có thể biến chứng trên người suy giảm miễn dịch hoặc không được chăm sóc đúng cách, ví dụ nhiễm trùng da để lại sẹo xấu, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, tổn thương thần kinh, viêm gan, viêm cơ tim, viêm mạch máu, viêm khớp, viêm tinh hoàn...
Phụ nữ mang thai bị nhiễm thủy đậu ở tuần 13-20 có thể bị dị dạng thai, thai chết lưu. Đặc biệt, ở 3 tháng cuối thai kỳ, nếu mẹ nhiễm thủy đậu, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong cao tới 30%.

Vaccine thủy đậu được chỉ định cho trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn chưa mắc bệnh. Ảnh: VNVC
Sau khi khỏi bệnh, virus Varicella Zoster vẫn trú lại trong cơ thể, tái hoạt động khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc có bệnh nền, thay đổi thời tiết. Khi đó, mọi người có thể mắc zona thần kinh hay còn gọi là bệnh giời leo. Zona thần kinh gây ra các nốt ban đỏ, tạo cảm giác đau, căng, bỏng rát, nhức dai dẳng làm giảm chất lượng cuộc sống. Khi phát bệnh zona thần kinh, người bệnh vẫn có thể tiếp tục lây virus cho người khác gây ra bệnh thủy đậu.
Do đó, bác sĩ Chính khuyến cáo không nên xem thủy đậu "chỉ là bệnh ngoài da" hoặc "bệnh của trẻ nhỏ". Mọi người cần chú ý chăm sóc cơ thể, giữ gìn vệ sinh chung, ăn đủ dinh dưỡng và tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh và chủ động tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh.
Khi bị thủy đậu, cần cách ly ở phòng riêng, không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác để tránh lây nhiễm. Người bệnh lưu ý bôi thuốc và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không gãi hay làm vỡ các nốt thủy đậu khiến vết thương khó lành, nặng có thể gây nhiễm trùng da.
Bên cạnh đó, tiêm chủng vaccine là một trong những phương pháp phòng bệnh hiệu quả, khả năng bảo vệ của vaccine lên đến 98%. Vaccine vẫn có giá trị bảo vệ đối với trường hợp từng tiếp xúc với người bệnh trong vòng 3-5 ngày.
Hiện, vaccine thủy đậu trên thị trường được chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người chưa từng mắc bệnh. Việt Nam chưa có vaccine ngừa zona thần kinh nên tiêm ngừa thủy đậu cũng được xem là cách phòng bệnh hiệu quả.
Nhật Linh
*Tên nhân vật được thay đổi.