Tại Việt Nam, thủy đậu là một trong những bệnh có tỷ lệ lây nhiễm cao. Virus gây bệnh thường trú ngụ trong đờm, nước bọt, nước mũi, dễ lây lan và phát tán khi người bệnh hắt hơi.
Miền Bắc đang trong mùa xuân, thời tiết lạnh ẩm, là điều kiện thuận lợi cho virus thuỷ đậu gây bệnh phát triển. Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã ghi nhận hơn 130 ca mắc ở cả trẻ em và người lớn trong 2 tháng qua, các bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội cũng ghi nhận nhiều ca mắc thủy đậu.
Bệnh thủy đậu lành tính, song có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi, viêm não... Hiện nay, trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn có thể tiêm vaccine thủy đậu, hiệu quả phòng bệnh khoảng 88-98%.
BS.CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC giải đáp 8 thắc mắc thường gặp của phụ huynh về tiêm vaccine thủy đậu ở trẻ em.
- Cần chuẩn bị gì khi cho con tiêm vaccine thủy đậu?
Phụ huynh lưu ý mang sổ tiêm chủng của trẻ nếu có, cung cấp thông tin cá nhân và sức khỏe của trẻ gồm đã mắc bệnh gì, tiền sử dùng thuốc, loại vaccine đã tiêm trong một tháng qua và phản ứng phụ sau tiêm, các phản ứng phản vệ đã gặp (nếu có).
Sau khi tiêm xong, gia đình ở lại trung tâm tiêm chủng 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm. Nếu phát hiện bất thường ví dụ nôn ói, thở nhanh hay ngắt quãng, thở khò khè, da mẩn đỏ... thì gia đình cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất.
Khi về nhà, gia đình tiếp tục theo dõi 48 tiếng sau tiêm xem trẻ có bị sưng đau vết tiêm hoặc phản ứng khác. Nếu có, gia đình yêu cầu hỗ trợ y tế từ cơ sở tiêm chủng hoặc bệnh viện gần nhất.
- Vaccine thuỷ đậu có tác dụng phụ gì? Làm gì khi con gặp phản ứng phụ khi tiêm chủng?
Sau khi tiêm phòng thủy đậu, trẻ có thể bị đau tay, sốt nhẹ... Đây là tác dụng phụ thông thường, do đó cha mẹ không nên quá lo lắng. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ, gia đình sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol theo liều lượng 10-15mg/kg thể trọng. Tình trạng sốt sẽ khỏi sau 3-4 ngày, không ảnh hưởng sức khỏe.
Hầu hết trẻ có các phản ứng nhẹ trong vòng 30 phút sau tiêm. Một số phản ứng khác như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, sẽ tự khỏi trong 24 giờ. Số hiếm phản ứng mạnh với vaccine như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái hoặc phản vệ sau tiêm. Do đó, gia đình cần theo dõi sát các biểu hiện của con, khi có các phản ứng nói trên cần đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay.
- Trẻ đã mắc thủy đậu có cần tiêm vaccine?
Nếu trẻ đang bị bệnh, đã được khám xác định thuỷ đậu và điều trị, bạn không cần cho bé tiêm phòng bệnh thủy đậu nữa, vì cơ thể đã có miễn dịch tự nhiên với bệnh này.
Nếu trẻ từng bị mụn nước, chưa được bác sĩ khám, điều trị, sẽ không xác định được cơ thể đã có miễn dịch thủy đậu hay chưa, nguy cơ lây bệnh vẫn thường trực. Hoặc, nếu trẻ đã mắc thủy đậu nhiều năm trước, miễn dịch với bệnh sẽ suy giảm theo thời gian. Do đó, gia đình vẫn cần đưa trẻ đến tư vấn để được chỉ định tiêm vaccine phòng thủy đậu phù hợp.
- Trẻ từng tiêm vaccine thủy đậu có cần tiêm nhắc không và trong thời gian bao lâu?
Vaccine cần 1-2 tuần sau tiêm để phát huy tác dụng. Vì vậy, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng trước mùa dịch tối thiểu một tháng.
Hiện chưa xác định vaccine có tác dụng trong bao lâu sau khi tiêm, một số nghiên cứu chỉ ra vaccine thường tác dụng bảo vệ trong khoảng 20 năm, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh tối đa trong thời điểm mùa dịch. Miễn dịch phòng bệnh thủy đậu suy giảm theo thời gian, tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Tại Việt Nam, trẻ em và người lớn cần tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine cơ bản để bảo vệ khỏi thuỷ đậu.
- Trẻ bị dị ứng có được tiêm vaccine thủy đậu?
Bác sĩ sẽ khám và căn cứ vào tình trạng cụ thể của trẻ để chỉ định tiêm chủng. Trẻ sẽ không được tiêm vaccine khi bị dị ứng với vaccine hoặc thành phần của vaccine, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư, nhiễm HIV, có bất thường về máu, đang hóa trị liệu...
Do đó, khi đưa trẻ đi tiêm, phụ huynh nên nói rõ cho bác sĩ khám sàng lọc về tiền sử dị ứng và các bệnh của con mình.
- Trẻ đang bị sổ mũi, ho đờm có nên tiêm vaccine thủy đậu hay không?
Nếu trẻ chỉ ho, khò khè, sổ mũi nhẹ nhưng không sốt, chơi, ăn, bú, hoạt động bình thường và không kèm triệu chứng nặng khác, trẻ vẫn được tiêm vaccine thủy đậu bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ khám sàng lọc sẽ kiểm tra sức khoẻ của trẻ trước khi tiêm, để xác định chính xác trẻ có được tiêm hay cần hoãn lại.
- Vaccine đắt tiền liệu có tốt hơn?
Hiện vaccine thủy đậu chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, do đó cần sử dụng vaccine dịch vụ. Giá tiền tiêm chủng phụ thuộc vào từng loại vaccine.
Mọi người không nên có tư tưởng lựa chọn vaccine, so sánh vaccine. Lý do là 3 loại vaccine phòng thủy đậu đang được sử dụng tại Việt Nam đều được chứng minh an toàn, hiệu quả, giúp sản sinh miễn dịch phòng bệnh tương đương nhau.
- Sau khi tiêm chủng, trẻ có cần ăn kiêng hoặc hạn chế nhiều hoạt động?
Sau khi tiêm chủng, hệ miễn dịch sẽ tương tác với vaccine và hình thành kháng thể, do đó nên hạn chế các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe, ví dụ vận động mạnh. Trẻ cần được nghỉ ngơi và đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Bác sĩ khuyến cáo gia đình cho trẻ ăn chế độ lành mạnh gồm trái cây và rau quả, tăng cường thực phẩm chống viêm như món súp gà, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau xanh. Gia đình có thể bổ sung thực phẩm được chế biến với nghệ, do nghệ có đặc tính chống viêm, có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng sau tiêm.
Chi Lê