Từ những nốt mụn nước nhỏ, bà Thu Hương 60 tuổi (Bình Dương) gặp biến chứng zona thần kinh kèm loét da vùng lưng, đau nhức không thể ngủ. Khi nhập viện, các nốt mụn nước đã lan rộng, có dịch đục, hóa mủ, trợt loét. Bác sĩ chẩn đoán bà gặp biến chứng zona thần kinh, da nhiễm trùng nặng do tự đắp đậu xanh giã nát lên nốt mụn.
Sau khoảng một tháng điều trị, vết thương đã lành nhưng cơn đau kéo dài do tổn thương dây thần kinh ở da, xuất hiện tại vị trí da trợt loét cũ, đau buốt tận óc. Người phụ nữ không thể ăn, ngủ bình thường, cơ thể mệt mỏi, khó chịu.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Thảo (50 tuổi, ở TP HCM) bất tiện khi sinh hoạt hàng ngày do bệnh zona. "Khó chịu nhất khi ngồi ghế, tôi phải ngồi một bên, phần bên kia bị mụn nước mọc phủ đùi", ông Thảo nói. Triệu chứng ban đầu là đau rát và ngứa dữ dội tại bắp đùi sau, khi gãi vết thương lan rộng rồi chuyển thành loét, đau buốt.
Tại cơ sở y tế địa phương, bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh zona biến chứng tổn thương dây thần kinh da. Bệnh nhân cho biết thêm chưa tiêm vaccine thủy đậu vì đã mắc bệnh từ nhỏ, không nghĩ virus thủy đậu có thể gây bệnh zona.
Chị Phong Lan (35 tuổi, Bình Thạnh, TP HCM) mắc bệnh nhiều năm nay, không nghiêm trọng nhưng thường xuyên tái phát, ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vùng zona ở đùi trái, đau dọc theo hạch thần kinh từ háng xuống khiến chị Lan đi lại khó khăn. Đồng thời, chỗ nổi nốt đỏ cũng căng tức, vừa nóng rát vừa đau, rất khó chịu.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, bác sĩ da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết zona thần kinh là biến chứng của zona, một bệnh da do nhiễm virus varicella zoster (VZV) gây ra. Đây cũng là tác nhân gây bệnh thủy đậu.
Zona thần kinh được điều trị tốt nhất trong vòng 72 giờ tính từ khi có tổn thương. Việc gãi vết thương hoặc đắp đậu xanh, các các lá thuốc nam như bệnh nhân Hương và bệnh nhân Thảo có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây loét và kích ứng da.
Theo Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, bệnh zona gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện ở người già, trẻ em, người có bệnh nền, sức đề kháng yếu. Virus có khả năng "ngủ đông" trong các tế bào, hạch thần kinh, bùng phát khi gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, tuổi cao, stress, suy nhược cơ thể, làm việc quá sức... Zona gây tổn thương dọc sợi dây thần kinh và cả đầu tận sợi thần kinh trong da, khiến người mắc cảm thấy rất đau.
Bên cạnh đó, người bệnh còn chịu tình trạng đau đớn kéo dài, gọi là cơn đau sau zona. Các cơn đau này xuất hiện sau khi vết thương ngoài da đã lành. Đau nhiều khiến người bệnh bị giảm khả năng lao động, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Theo bác sĩ Bích, tình trạng này thường gặp, thống kê ở Mỹ cho thấy cứ 5 người mắc thì có 1 người bị đau sau zona.
Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ đăng tải thông tin về 130 nghiên cứu được thực hiện ở 26 quốc gia vào năm 2014, cho thấy tỷ lệ mắc ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương khoảng 1 đến 5 ca trên 1.000 người một năm. Hơn 30% bệnh nhân bị đau dai dẳng trên một năm. Nguy cơ tái phát đau thần kinh sau zona từ 1 đến 6%. Tỷ lệ nhập viện từ 2 đến 25 ca trên 100.000 người một năm, cao hơn ở người già.
Nguyên nhân gây đau kéo dài là tình trạng viêm, hoại tử và xơ hóa các đầu mút tận cùng thần kinh cảm giác do virus gây ra. Biến chứng xuất hiện do người bệnh bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị, hoặc chữa bằng mẹo dân gian khiến bệnh trở nặng.
Để chủ động phòng zona thần kinh, người dân cần tiêm vaccine, theo dõi sức khỏe, tập thể dục đều đặn, ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý... Khi tổn thương xuất hiện ở vị trí nhạy cảm như nửa bên mặt phải hoặc mắt, mọi người cần khám bác sĩ chuyên khoa da liễu ngay để hạn chế tổn thương mắt, tránh nguy cơ giảm thị lực hoặc mù lòa, sẹo vùng mặt.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết tiêm vaccine ngừa bệnh zona là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Hai liều vaccine có hiệu quả phòng bệnh và biến chứng hơn 90% đối với người lớn từ 50 tuổi trở lên.
Hiện Việt Nam chưa có vaccine ngừa zona. Vì hai bệnh có cùng tác nhân gây ra, nên người chưa mắc thủy đậu hoặc chưa tiêm ngừa có thể nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc với dịch mụn nước hoặc hít phải những mảnh nhân của virus. Mầm bệnh có thể gây bệnh thủy đậu, sau đó tiến triển thành zona khi virus tái hoạt động.
Để phòng bệnh, mọi người nên tiêm vaccine phòng virus varicella zoster gây bệnh thủy đậu cũng như zona. Hiện hệ thống tiêm chủng VNVC đang có đầy đủ các loại vaccine thủy đậu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đến 98% và sinh kháng thể tốt sau 2-3 tuần tiêm ngừa.
Mộc Thảo