Nếu có một phát minh y học cho thế kỷ này, tôi nghĩ nên nghiên cứu một cái máy đo áp lực tinh thần để chẩn đoán mức độ trầm cảm- một bệnh tâm lý phổ biến nhưng thầm kín ở Việt Nam.
Cha của bạn tôi là một người lính, từng được tôi luyện qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, trải qua biết bao cơn sốt rét rừng, chứng kiến bao nhiêu sự hy sinh mất mát...tưởng chừng không gì có thể làm ông gục ngã. Nhưng gần đây, biểu hiện trong cuộc sống thường nhật của ông có chút ít thay đổi. Đôi lúc ông hay buồn rầu, suy nghĩ bi quan tiêu cực, thiếu tập trung và nói chuyện thiếu tính nhất quán...
Những người trong gia đình ông nghĩ rằng đó chỉ là những biểu hiện bình thường của tuổi già, thêm việc ông làm ăn thua lỗ, ít bạn bè...Con ông biết rằng ông bị trầm cảm nhưng chỉ nghĩ đó là biểu hiện tâm lý nên một thời gian sẽ hết nên không đưa ông đi khám và chữa trị. Tuy nhiên ông đã kết thúc cuộc đời mình bằng việc tự tử bởi gì những áp lực vô hình trong cuộc sống, tưởng chừng như rất nhỏ nhặt với những người khác.
Nguyên nhân bệnh trầm cảm có thể đến từ những định kiến lạc hậu, những tiêu chuẩn cuộc sống không phù hợp, xã hội áp đặt định kiến lên người phụ nữ chuẩn mực, người đàn ông thành công, cha mẹ áp đặt lên cuộc sống việc học hành của con cái. Nếu không đạt được những "tiêu chuẩn người dưng" ấy thì được cho là không có giá trị.
Với những người bị bệnh trầm cảm, thay vì cảm thông thì họ thường bị kỳ thị, e dè, phán xét bởi xã hội. Để thoát khỏi sự kì thị này họ thường co rút vào vùng an toàn của bản thân, ít tiếp xúc chia sẻ cảm xúc với người khác. Họ thường ngụy trang lên bản thân những lớp màng che chắn an toàn cho những tổn thương vô hình sau một cú sốc nào đó.
Điều đặt biệt là tỉ lệ tự tử hiện giờ đang trẻ hóa, thậm chí nó đang lan tới lức tuổi học đường. Ở Nhật Bản số vụ trầm cảm đang tăng lên, những cụm từ như "sống ẩn dật, thành phố bốc hơi, khu rừng tự tử..." đã trở thành những cụm từ phổ biến ở Nhật, đến khi chính phủ phải nghiên cứu chính sách để chống lại nạn tự tử.
Chỉ có cách tháo bỏ những định kiến không còn hợp thời. Đồng thời xem trầm cảm như là một căn bệnh thực sự thì mới có thể đưa ra những giải pháp chữa trị hợp lý.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.