Triết gia Schopenhauer từng nói: Cuộc sống của mỗi người chúng ta nhìn tổng thể và chung nhất thì là một bi kịch, nhưng trong các chi tiết riêng lẻ thì lại mang tính hài kịch.
Tôi từng chứng kiến một đứa trẻ mà món gì ngon, người thân đều gắp vào bát cơm của nó nhưng nó lại không nuốt nổi. Bố mẹ, ông bà muốn nó ăn thịt, patê, giò chả, xúc xích nhưng nó chỉ muốn ăn cơm với nước mắm. Người lớn từ dỗ dành chuyển sang dọa nạt, mắng nhiếc, so sánh con mình thế này, con người ta thế này, thế kia. Đứa bé cuối cùng vẫn phải ăn, nước mắt giàn giụa.
Người lớn đương nhiên không vui vẻ gì nhưng vẫn hài lòng cho rằng điều họ làm là đúng đắn, là hợp quy luật số đông, hợp nhân quả, giúp đứa trẻ mau lớn, khỏe mạnh và sau này lớn lên hiểu chuyện nó sẽ phải cảm ơn họ.
Tôi không chắc đứa trẻ kia có nhớ được bài học lúc nhỏ không, hay dễ dàng quên đi bởi thời gian, bởi tâm lý bầy đàn và bởi tâm hồn bị lấp đầy bởi vật chất phù hoa trùng trùng vây quanh. Khi nhỏ là bánh kẹo, hoa quả, bóng bay, lễ hội pháo hoa. Khi lớn lên là nhà lầu, xe hơi, vợ đẹp, con khôn.
Chúng ta nói "người độc thân đáng thương", chẳng phải đó cũng là định kiến khi nghĩ rằng phải có đôi có cặp mới là đúng đắn, hợp quy luật? Chúng ta cứ nghĩ rằng phải có ai chăm sóc mới là hạnh phúc. Nhưng cũng giống như đứa trẻ bị cha mẹ ép ăn kia, thứ tưởng như hạnh phúc theo số đông lại chẳng phải là điều mà một ngươi độc thân mong muốn.
Khi nhìn đứa trẻ vừa ăn vừa khóc, tôi nhận ra hạnh phúc của con người không phải là ăn ngon mặc đẹp, không phải là vây quanh bởi những người thân và sự quan tâm chăm sóc tận răng tận miệng của họ, mà hạnh phúc là ra khỏi các phiền não trói buộc, sống theo cách mình muốn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.