Luật sư Khanh Huỳnh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về sau khi ông Joe Biden được xướng tên đắc cử Tổng thống Mỹ:
Sau cuộc bầu cử vừa qua, nước Mỹ hiện giờ chia ra làm hai thái cực. Ở "trên đỉnh", ông Biden bận rộn tập hợp lực lượng, xem xét nội các, bàn kế hoạch để triển khai chính sách chống Covid. Trong khi ông Trump tweet rằng ông thắng, than phiền về gian lận bầu cử, và đi kiện. Trong dân chúng, phe Trump biểu tình la hét, phe Biden thì chỉ cười, đôi khi lại quấy rối những người theo phe Trump đang giận dữ.
Về mặt pháp lý, việc chuyển giao quyền lực xảy ra như thế nào? Theo pháp luật, mỗi bang sẽ xác nhận kết quả bầu cử vào hạn chót của từng bang, thường từ ngày 20/11 tới 1/12, sau đó họ chọn đại cử tri. Đại cử tri đoàn họp ngày 14/12, chính thức thông qua kết quả bầu cử. Sau đó kết quả bầu cử có giá trị pháp lý, người Mỹ phải tuân theo.
Trên thực tế, các bang đều có kết quả sơ bộ và thường thì vào đêm bầu cử hay vài ngày sau, các hãng tin lớn đều có dự báo của họ. Một khi năm hãng tin lớn đưa ra dự đoán rằng một ứng cử viên thắng thì người đó sẽ tuyên bố chiến thắng, người kia sẽ nhận thua, hôm sau tổng thống đương nhiệm sẽ mời người đắc cử tới Nhà Trắng để bắt đầu chuyển giao quyền lực, nếu tổng thống đương nhiệm không phải là người chiến thắng.
>> Liệu có thể gian lận chục nghìn phiếu bầu Tổng thống Mỹ?
Việc chuyển giao quyền lực thật ra chỉ là tổng thống đương nhiệm bắt đầu nói cho người kế nhiệm về các vấn đề đang phải đối mặt, chia sẻ các báo cáo tình báo, nói chung gần giống như quá trình "training" dành cho các nhân sự cấp cao trong công ty. Khi có giám đốc mới tới thì giám đốc cũ sẽ cho biết các vấn đề công ty đang đối mặt, giấy tờ tiền bạc ra sao, để ở đâu, ai lo việc gì... để người mới biết mà dùng tới, khỏi mất công đi kiếm, khỏi bị bất ngờ.
Việc ông Trump không chịu nhận thua liệu có ảnh hưởng gì tới việc chuyển giao quyền lực hay không?
Hiện tại các bang vẫn chưa xác nhận kết quả và đại cử tri đoàn chưa họp nên về mặt pháp lý tổng thống mới đắc cử chưa được chính thức xác nhận.
Những vụ kiện của ông Trump hiện giờ đều nhằm khiến một số bang chiến trường quan trọng không xác nhận kết quả. Tuy vậy một khi đã có kết quả từ đại cử tri đoàn, mọi việc hoàn toàn ngả ngũ về mặt pháp lý, lúc đó ông Trump không còn làm gì được nữa.
Quá trình bầu cử Mỹ cũng giống như một trận đấu bóng đá. Khi kiểm phiếu xong thì trận đấu đã kết thúc, họp đại cử tri đoàn chỉ là việc trao giải mà thôi. Việc kiện tụng kết quả kiểm phiếu cũng giống như kiện tụng đòi thay đổi kết quả công nhận bàn thắng của trọng tài, nói chung không thay đổi được gì cả.
Sau đấy, nhiệm kỳ hiện tại của ông Trump sẽ kết thúc vào trưa ngày 20/01/2021. Hôm đó lễ nhậm chức sẽ được tổ chức, khi ông Biden đã tuyên thệ trước thẩm phán tòa tối cao thì ông sẽ trở thành tổng thống, ông Trump sẽ trở thành thường dân. Ông Trump sẽ không thể ra lệnh cho ai hay làm bất kì điều gì với quyền lực tổng thống nữa.
>> Lý do ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ
Thật ra, một người là tổng thống hay không do những người chung quanh nhìn nhận chứ không phải do họ làm gì. Nếu ông Trump cứ ở lì Nhà Trắng vào ngày 20/01/2021 mà ông Biden đã tuyên thệ nhậm chức xong thì không ai nhìn nhận ông Trump là tổng thống nữa. Khi đấy thì mật vụ sẽ lôi ông Trump ra khỏi Nhà Trắng, lệnh ông đưa ra sẽ không ai nghe, nên càng ở lâu sẽ càng mệt.
Ngay cả khi đại cử tri đoàn đã xác định ông Biden là người chiến thắng nhưng vào ngày 20/1/2012 mà ông Biden không thể tuyên thệ nhậm chức vì lí do gì đó thì bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện, sẽ trở thành quyền tổng thống. Khi đó ông Trump cũng mất quyền tổng thống, ông có ra lệnh gì cũng không ai nghe, làm gì cũng không có hiệu lực của tổng thống.
Vì vậy việc chuyển giao quyền lực hay không chỉ là vấn đề tổng thống trước có giúp đỡ tổng thống kế nhiệm để có thể dễ dàng làm việc ngay từ ngày đầu tiên hay không. Ông Biden đã có 8 năm kinh nghiệm làm phó tổng thống, ông biết Nhà Trắng, biết quy trình công việc, biết các ban bệ và thậm chí còn quen biết rất nhiều quan chức. Tuy vậy những thông tin mật gần đây ở các vấn đề trong và ngoài nước thì ông Biden không được tiếp cận.
>>Các bài viết của tác giả Khanh Huỳnh
Thậm chí những thông tin cần thiết cho việc chống dịch Covid hiện giờ vẫn nằm xa tầm với của ông Biden. Vào ngày 20/1/2021 ông sẽ phải đối mặt với dịch bệnh mà không biết các kho thiết bị y tế đang nằm ở đâu, có bao nhiêu, vaccine đã được chế được tới đâu, lực lượng quân đội đang có mặt ở nơi nào, ai có thể phụ trách phân phối vaccine và hàng ngàn vấn đề như vậy nữa. Nếu ông Trump chịu giúp đỡ, ông Biden sẽ được tiếp nhận các thông tin này từ trước khi nhậm chức để ông lên kế hoạch sẵn sàng.
Việc ông Trump có chịu chuyển giao quyền lực hay không sẽ không ảnh hưởng tới việc ai sẽ là tổng thống Mỹ vào ngày 20/01/2021. Tuy vậy nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng hoạt động hiệu quả của tổng thống mới và chính quyền mới. Ông Biden vừa mới nói rằng nếu ông Trump không hợp tác, sẽ còn nhiều người chết. Điều này đã và đang xảy ra, chỉ có ông Trump và những người ủng hộ ông là vẫn còn đang chối bỏ.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.