Thần tượng ai đó là một nhu cầu tinh thần của con người. Theo tôi, nó được xếp vào tầng thứ ba của tháp nhu cầu Maslow và được định nghĩa như sau: "Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (love/belonging) - muốn được trong một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy".
Theo đó, các cá nhân có cùng chung sở thích thần tượng một nghệ sĩ, ca sĩ nào đó sẽ có xu hướng liên kết lại với nhau và thành lập hội nhóm (fandom) của nghệ sĩ đó.
Lúc tôi còn trẻ, tôi cũng có thần tượng một số ca nhạc sĩ, nhà thơ. Điều này xuất phát từ sự đồng cảm, chung lối nghĩ và suy tư về cuộc sống, về tình yêu, về gia đình. Có những buổi chiều buồn vu vơ của tuổi mới lớn, tự nhiên buồn mà không hiểu lý do, bỗng đọc vài trang thơ của Xuân Diệu, đến câu: "Hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn".
Lúc đó tôi chợt nghĩ, à thì ra mấy chục năm về trước, cũng có một người tự dưng cũng buồn vu vơ mà không hiểu lý do giống mình. Thế là tôi tìm đọc hết thơ Xuân Diệu đến các mẩu chuyện, hồi ký của các nhà văn, nhà thơ khác có liên quan đến Xuân Diệu... Thế rồi từ đó, giữa tôi - người đọc sản sinh ra tình cảm thần tượng với nhà thơ...Lúc đó bài thơ nào của Xuân Diệu tôi cũng đều cho là hay cả. Dù Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam trích thơ Xuân Diệu nhiều nhất trong số các nhà thơ được giới thiệu, nhưng tôi vẫn cho là ít.
>> Nghệ sĩ quảng cáo tạo niềm tin mù quáng
Nhưng vài năm sau, khi đọc những bài thơ của các nhà thơ khác, thơ nước ngoài, tôi lại cho rằng Xuân Diệu thì cũng có bài hay, bài dở, ngay trong những bài hay cũng tìm được vài câu dở, vài ý dở hay gieo vần dở chứ không phải toàn là "tuyệt tác" như tôi của vài năm trước lầm tưởng.
Song với đó, có lẽ các nhà thơ, nhà văn của chúng ta ít có fan hơn với các ca nhạc sĩ, diễn viên. Sự thần tượng, ái mộ một diễn viên, ca sĩ khiến họ đi từ màn ảnh ra ngoài đời thực: nếu ai đó đẹp trai, họ sẽ khen: Đẹp như Lý Hùng, nếu ai đó xinh gái họ sẽ khen đẹp như Diễm Hương...
Thời đó, những cuốn băng video còn kéo gần những bộ phim của Hồng Kông đến với khán giả Việt. Mà hễ bộ nào nổi nổi trên thị trường, được nhiều người thuê mướn để xem thì cũng biến họ thành fan của các diễn viên đó. Âm nhạc cũng như thế.
Dĩ nhiên tôi và bạn bè ngày đó ai cũng đều có một list thần tượng là các ca sĩ, diễn viên. Rồi học theo cử chỉ, động tác, cách ăn mặc, cách chải tóc sao cho giống thần tượng của mình nhất... Tuổi trẻ mà. Nhưng rốt cuộc đó cũng chỉ là một nhu cầu của tinh thần, vậy thôi chứ không hơn. Chúng tôi vẫn học, vẫn căng sức với các kỳ thi, vẫn làm việc, lập gia đình... vốn là những nhiệm vụ thiết thực hơn đối với mỗi cá nhân.
Nhưng kể từ khi làn sóng 'Hàn Lưu' xâm nhập và tấn công thị trường các nước, trong đó có Việt Nam, tôi lại thấy có rất nhiều vấn đề bất cập trong văn hoá thần tượng. Nó không còn là một nhu cầu chính đáng, không còn là vẻ đẹp riêng của fan với idol nữa. Mà nó biến tướng thành: các bạn trẻ khóc lóc, ngất xỉu khi đi đón idol ở sân bay. Fan tung hết tiền mua album, poster ủng hộ cho idol...
Rồi cho đến khi mạng xã hội dần phổ biến, các fanclub được dịp tụ tập, về chung nhà nhờ sự kết nối dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn thì văn hoá thần tượng lại càng ngày càng lệch chuẩn thông qua việc: Fan cuồng bất chấp, bảo vệ cái sai của thần tượng.
Một ca sĩ, diễn viên nào đó có nghi án dùng ma tuý, ngay lập tức các fan cuồng dựng ngược lên bênh vực. Nếu có nghi án gạ tình, lừa tình, hiếp dâm và bị một fan nữ nào đó tung ra các bằng chứng tố cáo, thì ngay lập tức các fan cuồng không tin, cho đó là giả và tấn công ngược lại người tố cáo theo kiểu đổ lỗi nạn nhân, không có lửa sao có khói, tại anh ấy quá đẹp trai- ai mà không mê...
Sự lệch chuẩn mà tôi nói thể hiện ở chỗ mù quáng, bất chấp lý trí của fan cuồng. Hễ là thần tượng thì cái gì cũng tốt, tốt từng chân tơ kẽ tóc. Hoặc nếu idol của họ có sai, có lỗi lầm gì thì cũng đều cho nạn nhân gây ra và rất xứng đáng tha thứ cho idol của họ.
>> Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, xin lỗi là xong?
Là người, ai cũng từng làm đều sai. Thần tượng cũng là người nên cũng từng làm sai, và quả chăng cho có quá nhiều hấp dẫn từ tiền bạc, dục vọng... Xác suất xảy ra bê bối của các thần tượng cao hơn hẳn người thường. Các idol thế hệ trước tôi nghĩ cũng như vậy thôi, sở dĩ ít người biết là do thời đó mạng xã hội chưa có.
Vậy nên người trẻ chúng ta thần tượng ai đó vì sắc đẹp, giọng hát, diễn xuất... là không sai. Nhưng sẽ rất sai trái khi bất chấp bênh vực thần tượng của mình, công kích người khác ngay khi sự việc chưa ngã ngũ, hay đã rành rành cái sai rồi mà vẫn u mê, mù quáng bảo vệ lấy cho bằng được.
Một ví dụ tiêu biểu là vụ việc Ngô Diệc Phàm bên Trung Quốc cũng diễn tiến như những gì tôi vừa nêu. Tình hình là anh ta đã bị bắt. Vậy những fan cuồng khóc thuê, mù quáng sẽ nhận được gì.
>> Ngô Diệc Phàm - cú tát fan cuồng
Hay như một nam ca sĩ trong nước cũng có bê bối với bạn gái. Các fan cuồng của anh ta đi gây chiến khắp nơi trên mạng khi sự việc còn chưa rõ ràng. Anh này đã lên tiếng xác nhận sự thật. Vậy hành động của các fan cuồng có phải đổ sông đổ bể và như một trò cười cho người khác không?
Thần tượng một ai đó nhưng đừng quá mức, lệch chuẩn để rồi sau này lại than vắn thở dài: Thanh xuân của tôi là nhờ có anh ấy/chị ấy. Mà tiếc thay, họ sống không ra gì.
Hoàng Trung
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.