Vụ bê bối của nam ca sĩ Ngô Diệc Phàm, một trong những ngôi sao lớn nhất Trung Quốc có thể điểm qua diễn tiến như sau: Ngô Diệc Phàm bị tố sống thác loạn, hại đời nhiều cô gái. Các tài khoản mạng xã hội của Ngô Diệc Phàm bị xoá sổ. Ngô Diệc Phàm bị bắt.
Đến khi cơ quan chức năng Trung Quốc phát lệnh bắt, vẫn có những bình luận tiếc nuối mù quáng và đầy xu hướng đổ lỗi nạn nhân kiểu "các cô gái cũng sống thác loạn không kém" hoặc "mê trai đẹp". Việc bắt Ngô Diệc Phàm và đuổi anh ta ra khỏi showbiz Hoa ngữ được đánh giá là cú giáng đòn vào những fan cuồng.
Sự vụ có thể xem là một bi kịch của văn hoá thần tượng. Nhiều năm qua, trong ngành giải trí Trung Quốc tồn tại hiện tượng tôn sùng sắc vóc. Nghệ sĩ được xem trọng qua mức độ nổi tiếng dựa trên giá trị thương mại và lượng người hâm mộ chứ không vì tài năng và phẩm cách.
Ngô Diệc Phàm là một nghệ sĩ thần tượng nhưng được đánh giá trình độ chuyên môn kém, các sản phẩm âm nhạc hay kỹ năng diễn xuất của anh không thể so bì với các nghệ sĩ khác trong showbiz Hoa ngữ.
Với vai trò ca sĩ, Ngô Diệc Phàm là thành viên nhóm EXO, Hàn Quốc. Nhưng con đường làm ca sĩ đã nhanh chóng bị cắt đứt và chuyển sang làm diễn viên. Nhưng những vai diễn trong các phim của Châu Tinh Trì lại không gây ấn tượng gì với người xem. Khi thử sức với vai trò rapper, anh chàng cũng được đánh giá quá bình thường, không có gì nổi trội.
Từ ca sĩ, diễn viên đến rapper, Ngô Diệc Phàm chẳng "nghệ tinh" môn nào. Nhưng nghịch lý thay, anh lại có nhiều fan hâm mộ. Điều này khiến anh ta kiếm được rất nhiều tiền nhờ quảng cáo và làm đại diện thương hiệu cho các nhãn hàng thời trang xa xỉ như Bvlgari, Chioture, L'Oréal, Louis Vuitton...
Bởi thế, một tờ báo Trung Quốc đã đặt vấn đề rằng: "Ngô Diệc Phàm chính là ví dụ tiêu biểu về cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng trong ngành giải trí. Ở đó, người ta phát hiện ra rằng một nghệ sĩ không có năng khiếu âm nhạc, kỹ năng diễn xuất, chà đạp lên đạo đức và quy tắc xã hội, vẫn có thể vươn lên đỉnh cao danh vọng, kiếm tiền tỷ từ showbiz" và tự đặt câu hỏi: "Thế mới thấy chúng ta dễ dãi ra sao".
Để củng cố nhận định này, một tờ báo khác viết: "Ngô Diệc Phàm đáng bị đào thải khỏi ngành giải trí từ 5 năm trước, thời điểm anh vướng hàng loạt cáo buộc liên quan đến phụ nữ. Nhưng sao nam tiếp tục kiếm tiền tỷ ở Trung Quốc suốt 7 năm".
Thật khó hiểu khi một nghệ sĩ tài năng bình thường, từng có nhiều scandal lại có thể ung dung kiếm tiền và thu hút 51 triệu fan trên Weibo, mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc. Đây là một lượng fan hùng hậu, nhưng chủ yếu chưa trưởng thành, còn trong độ tuổi vị thành niên.
Mà độ tuổi này dễ bị dẫn dắt bởi cảm xúc. Chính sự hợp tác làm người đại diện, quảng cáo cho các nhãn hàng thời trang lớn lại khiến có nhiều người ngộ nhận về tài năng của Ngô Diệc Phàm. Các thanh, thiếu niên trở thành fan cuồng của anh ta, giúp anh ta kiếm được nhiều tiền hơn.
Trong một nền giải trí, khi người hâm mộ bỏ qua tài năng mà chỉ tập trung vào nhan sắc và người nghệ sĩ chỉ dựa vào nhan sắc để tiến thân thì rõ ràng nền giải trí đó đang có vấn đề.
Vấn đề thứ nhất là trình độ thưởng thức nghệ thuật chung của số đông chưa cao, chưa sâu. Họ chỉ dừng lại ở mức nhìn - xem độ đẹp trai, xinh gái của ca sĩ, diễn viên, để "no" con mắt trước. Người hâm mộ đó không tư duy và đặt câu hỏi nghệ sĩ này có tài năng gì, tác phẩm giá trị ra sao?
Vấn đề thứ hai là hệ quả của vấn đề thứ nhất, nó nảy sinh nghề làm thần tượng. Chỉ cần vẻ bề ngoài và khoác lên mình chiếc vỏ bọc nghệ sĩ thần tượng thì có thể thoải mái kiếm ăn mà không phải trau chuốt kỹ năng nghề nghiệp.
Những nghệ sĩ chân chính nghèo khó và chật vật kiếm sống trong khi những nghệ sĩ thần tượng lỗi lại kiếm rất nhiều tiền từ sự cuồng tín của người hâm mộ, thực sự là một bi kịch.
Hữu Thành
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.