Di tích Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, sẽ được trùng tu theo hiện trạng dưới triều Nguyễn, thời vua Minh Mạng.
Công trình và các kết cấu xây dựng được xác định không thuộc thời kỳ nhà Nguyễn trong khu vực sẽ được hạ giải, trong đó có tháo dỡ lô cốt phía trên Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan.
Theo đề án trùng tu, hệ thống cửa Hải Vân Quan, cửa Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan sẽ tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc với việc phục hồi; thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường xây gạch vồ.
Hệ thống chân tường được gia cố thành bằng vữa neo, các vị trí xung yếu gia cố bằng bê tông. Đoạn chân móng thành hướng Tây Nam di tích được bảo tồn bằng cách làm sạch và gia cố chân móng... Hệ thống nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố 3 gian sẽ được phục hồi theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu. 5 lô cốt được xây dựng thời Pháp chiếm đóng, được tu bổ chống xuống cấp; phục hồi các chi tiếp bị sập vỡ.
Di tích Hải Vân Quan được trùng tu, tu bổ với tổng diện tích 6.500 m2, thời gian triển khai trùng tu hai năm. Tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng do Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đóng góp, mỗi địa phương 50%.
Ông Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP Đà Nẵng, cho biết trước cuộc trùng tu, những người làm văn hóa ở Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa tham gia. Có ý kiến cho rằng nên khôi phục Hải Vân Quan theo hiện trạng dưới thời vua Minh Mạng năm 1826 song cũng có quan điểm nên bảo tồn theo hướng thích nghi.
"Tôi thấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia rất xác đáng ở chỗ nền móng cũ, cơ sở cũ của Hải Vân Quan cần được bảo đảm tối đa. Những hạng mục phát sinh cùng thời gian như trong thời chống Pháp, chống Mỹ thì bảo tồn thích nghi, cái gì không tương thích cái cũ thì phá bỏ. Ví dụ về các lô cốt, các nhà nghiên cứu cho rằng nên tôn trọng bởi đó là một phần của lịch sử", ông Hùng nói.
Ông cho rằng điều quan trọng "không phải là khai thác du lịch thu về nhiều tiền" mà giữ danh thắng để phát huy, giáo dục truyền thống cho con cháu.
Hải Vân Quan được xây dựng năm 1826, là đồn lũy quân sự trấn thủ trên đỉnh đèo Hải Vân, có vị trí hết sức đắc địa, được mệnh danh là "yết hầu" của Kinh đô Huế. Với cái nhìn chiến lược, triều đình nhà Nguyễn đã dựa vào địa thế tự nhiên để xây dựng thành lũy đặc thù, phát huy cao nhất tính năng quân sự.
Trong giai đoạn 1945-1975, nhiều hạng mục công trình quân sự được xây dựng thêm ở đây như một số vọng gác, lô cốt hòng trấn giữ con đường huyết mạch này... Đặc biệt, trên đỉnh của 2 cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan còn xây thêm những hệ thống pháo đài công sự để quan sát và đặt súng ống.
Võ Thạnh - Nguyễn Đông