Chiều 17/9, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng tổ chức Hội thảo bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.
Đại diện Phân viện Khoa học Công nghệ miền Trung trình bày hai phương án cho di tích này.
Theo đó, phương án thứ nhất là phục hồi toàn bộ các công trình phía trong ranh giới vùng I bảo vệ di tích, một đoạn tuyến đường thiên lý đi về phía Huế và đường dốc đi về phía Đà Nẵng vào thời kỳ nhà Nguyễn. Các công trình nằm giữa ranh giới vùng bảo vệ I và II của di tích sẽ được bảo tồn thích nghi.
Di tích cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan sẽ được tháo dỡ toàn bộ các lô cốt (có từ thời Pháp đến trước năm 1975) phía trên cửa quan đến nền gốc di tích thời Nguyễn, tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc...
Phương án hai là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ các công trình được xác định có trước năm 1975, đặc biệt trong thời kỳ chiến thắng Đồn Nhất; tu bổ chống xuống cấp 5 lô cốt được Pháp xây dựng thời kỳ chiếm đóng, phục hồi các chi tiết bị sập vỡ...
Tại hội thảo, ý kiến của các chuyên gia đều ưu tiên cho phương án một. Cụ thể, mặc dù phương án này có kinh phí trùng tu lớn (hơn 39 tỷ đồng) nhưng sẽ truyền tải được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của di tích Hải Vân Quan trong quá trình dựng nước và giữ nước; thể hiện được chiến lược về quân sự khi Hải Vân Quan trở thành đồn lũy bảo vệ Kinh thành Huế khỏi các cuộc tấn công phía Nam.
Trong khi đó, phương án hai chỉ thể hiện được vai trò của di tích trong giai đoạn lịch sử cận đại 1946-1975.
Cần bổ sung thêm tư liệu về Hải Vân Quan
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế cho rằng, đây là lúc cần thiết triển khai ngay dự án để cứu lấy di tích Hải Vân Quan.
Bày tỏ đồng tình phương án một, ông Hoa đề nghị Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế hỗ trợ đơn vị tư vấn về tài liệu lịch sử, kiến trúc Hải Vân Quan.
“Cần đặt dự án trùng tu Hải Vân Quan trong tổng quan núi Hải Vân. Vào thời Nguyễn, từng có mô tả núi Hải Vân có 9 khúc cua, trên núi có 5 khe suối rất đẹp, phía Bắc có hang dơi", ông Hoa nói.
Theo ông, bên cạnh phương án trùng tu thì Huế và Đà Nẵng cần có kế hoạch phát huy giá trị di tích, nghĩa là tổ chức các dịch vụ đi kèm, nhưng "phải tổ chức dịch vụ sao cho phù hợp với Hải Vân Quan, đừng để cái mới phá vỡ cái cũ".
GS.TS Nguyễn Văn Đăng, Trưởng khoa lịch sử trường Đại học Khoa học Huế cũng cho rằng, phương án tu bổ Hải Vân Quan theo kiến trúc ban đầu của triều Nguyễn là hợp lý nhất.
Ông Đăng cho rằng, quá trình trùng tu Hải Vân Quan cần nhấn mạnh đến mô hình con đường thiên lý Bắc Nam qua Hải Vân Quan; vị thế quân sự của Hải Vân Quan qua các thời kỳ...
TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Di sản văn hóa Việt Nam nêu ý kiến, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế và Sở Văn hóa Đà Nẵng cần bổ sung thêm tư liệu liên quan; nghiên cứu có cần khảo cổ tiếp Hải Vân Quan nữa hay không trước lúc lên dự án tu bổ cụ thể.
Theo ông Hùng, phương án một mà đơn vị tư vấn đưa ra rất khả thi nhưng cơ quan chức năng cũng cần lấy thêm ý kiến người dân, các vị lão thành để hoàn thiện.
“Cần phải làm rõ Hải Vân Quan xưa kia trông như thế nào, có thể tìm thêm tư liệu của Pháp để có cái nhìn rõ nét hơn”, ông Hùng nói.
Hải Vân Quan nằm trên đỉnh núi Hải Vân giáp ranh tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng được xây dựng từ năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là yết hầu, lũy thành bảo vệ Kinh thành Huế ở phía Nam.
Trải qua thời gian và chiến tranh, Hải Vân Quan đã bị biến dạng khi nhiều công trình kiến trúc gốc của triều Nguyễn bị phá hủy, Hải Vân Quan ngày nay chỉ còn hai cổng thành.
Tháng 4/2017, di tích Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch xếp hạng là Di tích quốc gia.
Võ Thạnh