Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, cho biết theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, ngoài các công trình trong Hoàng thành Huế nêu trên, lăng tẩm vua triều Nguyễn cũng được ưu tiên trùng tu.
Năm 2020, nhiều hạng mục công trình ở lăng vua Đồng Khánh, vua Thiệu Trị, vua Gia Long và vua Dục Đức đã được tu bổ. Một số đàn miếu của triều Nguyễn như đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc cũng nằm trong kế hoạch trùng tu thời gian tới.
Trong số các công trình triều Nguyễn đang được khôi phục, tu bổ, nổi bật là điện Kiến Trung. Đây là cung điện được xây dựng muộn nhất trong kinh thành Huế, với kiến trúc phương Tây độc đáo. Tuy nhiên công trình này đã sụp đổ hoàn toàn trong chiến tranh. Hàng chục năm qua, điện Kiến Trung chỉ là một khu đất trống với dấu vết duy nhất là nền móng.
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã sưu tầm các hình ảnh của công trình, tổ nhiều nhiều hội thảo để tham vấn việc phục dựng cung điện này. Đầu năm 2020, dự án xây dựng lại điện Kiến Trung với kinh phí hơn 123 tỷ đồng được triển khai. Sau gần một năm thi công, diện mạo điện Kiến Trung đang dần thành hình và theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2023.
Nằm cách điện Kiến Trung khoảng 300 m, điện Thái Hòa là nơi xưa kia vua triều Nguyễn tổ chức các buổi thiết triều quan trọng. Chiến tranh cùng với thời tiết nắng lắm mưa nhiều ở xứ Huế khiến nhiều hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng. Một số cột gỗ lim bị mục ruỗng, mái ngói bị vỡ.
Cơn bão tháng 9/2020 đã làm một mảng ngói của điện bị sập, nước mưa thấm vào hệ thống rường cột gỗ. Để tạm thời khắc phục sự cố chờ trùng tu, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phải dùng các thanh sắt gia cố công trình, lợp tạm mái tôn.
Trước tình trạng xuống cấp của điện Thái Hòa, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã xin phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được trùng tu lại công trình; dự kiến, vào tháng 6 tới, cung điện này sẽ được hạ giải, trùng tu với tổng kinh phí 150 tỷ đồng, thời gian khoảng 3 năm.
Ngoài các cung điện trong Hoàng thành Huế, cơ quan quản lý di tích cũng đang khẩn trương triển khai thi công hạng mục tu bổ kè Hộ thành hào thuộc Dự án bảo tồn tu bổ mặt Nam Kinh thành; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương điều chỉnh, bổ sung quy mô đầu tư giai đoạn 2 đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành.
"Những năm trước đây, tình trạng người dân sống trên Thượng thành, lấn chiếm khu vực I di tích đã ảnh hưởng không nhỏ với cảnh quan và công tác trùng tu, bảo tồn di tích", ông Võ Lê Nhật nói.
Theo ông, trong 5 năm tới, điện Thái Hòa, điện Kiến Trung và một số lăng tẩm sẽ được khôi phuc, trùng tu xong, cùng với đó việc người dân di dời, hoàn trả mặt bằng khu vực I, diện mạo Kinh thành Huế sẽ trở lại với vẻ vốn có và được bảo tồn một cách toàn vẹn.
Theo ông Nhật, khó khăn lớn nhất của đơn vị trong việc trùng tu di tích là nguồn kinh phí. Trong những năm gần đây, kinh phí cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích Huế phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ bán vé tham quan và các dịch vụ được tổ chức trên địa bàn.
"Năm 2020, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, lượng khách đến tham quan di tích Huế giảm mạnh, khiến nguồn kinh phí dành cho công tác bảo tồn, trùng tu bị suy giảm nghiêm trọng", ông Nhật nói.
Võ Thạnh