"May quá chưa vỡ", người tài xế lao đến chỗ tôi cố gắng đỡ chai rượu rơi ra từ túi quà tết. Đưa lại cho anh chiếc bì thư để sắp lại túi qùa, tôi nhìn trong xe một lượt. Các túi quà xếp kín sau xe và băng ghế. "Quà của sếp chuẩn bị mang đi rải các nơi đấy", anh bảo.
Văn phòng chúng tôi nhận công chứng tại nhà cho những khách hàng bận bịu và sẵn sàng chấp nhận mức phí cao hơn. Trưởng phòng giao tôi chuẩn bị hồ sơ đến công chứng cho sếp của anh - giám đốc một doanh nghiệp nhà nước. Tôi chuẩn bị sẵn hồ sơ, chờ lái xe của ông đến đón, nhưng vừa mở cửa để lên xe thì túi quà nhao ra.
Tài xế loay hoay dọn một chỗ ngồi cho tôi. "Thông cảm nha, đi Tết là truyền thống mà. Năm nay Covid làm ăn cũng khó, nhưng vẫn phải đảm bảo quà cảm ơn, chứ không sang năm càng khó nữa".
Việc "đi Tết" cuối năm, như anh nói, đã trở thành "truyền thống" của nhiều người, cơ quan. Qua một năm lao động vất vả, giúp đỡ nhau trong công việc, người ta thể hiện lòng tri ân, quý mến nhau, tôi thấy đó là điều hay của người Việt. Tặng quà còn để xây dựng quan hệ với đối tác, khách hàng, bày tỏ lòng biết ơn kèm theo thiện chí tiếp tục vun đắp mối tương giao. Bản thân tôi cũng từng tặng nhiều món qùa như thế.
Tuy vậy, những chiếc phong bì vượt qua giới hạn trên còn kèm theo sắc thái khác. Tùy đối tượng, vị trí công tác hay tầm quan trọng mà chúng nặng hay nhẹ khác nhau. Chiếc phong bì mà tôi làm rơi có lẽ dành cho ai đó quan trọng, vì nó khá dày.
Tôi đã dự một buổi thảo luận về luật phòng chống tham nhũng, ở đó mọi người tranh cãi về hành vi đưa, nhận phong bì. Người thì cho rằng nó tiện và giúp ích rất nhiều, bởi đó là phương tiện làm cho nền kinh tế hiệu quả, được việc cho cả người đưa và người nhận. Phong bì còn giúp họ tiết kiệm chi phí dịch vụ, gọn nhẹ hơn việc phải mua quà rồi bưng bê kềnh càng, bất tiện trong mắt nhiều người. Trong làm ăn, thay vì thuê môi giới, thuê "cò", nhờ trực tiếp ai đó hỗ trợ rồi tặng phong bì để duy trì sự cộng tác luôn tiện hơn đi thuê.
Phía phản biện cho rằng, Tết chỉ là một dịp người ta tặng phong bì để "trả nợ", thực ra nó là một hành vi trao đổi, mong tạo cho mình ưu ái hơn với người không đưa phong bì. Điều này dẫn đến sự bất công và bất minh, tạo lợi thế cho những người yếu kém năng lực nhưng giỏi quan hệ tiếp cận những vị trí có quyền. Nó đặc biệt để lại hệ lụy khi hình thức trao, nhận phong bì đôi khi còn diễn ra ngay trước mắt thế hệ trẻ, con cái người trao và người nhận.
Một khảo sát của Tổ chức Hướng tới minh bạch quốc tế chỉ ra sự mâu thuẫn trong suy nghĩ và hành động của giới trẻ Việt Nam. Trên 95% thanh niên được khảo sát tin rằng tham nhũng và thiếu liêm chính có hại cho mọi mặt của cuộc sống. Nhưng có đến hơn 30% trong số này cho biết, họ sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng hoặc phi đạo đức để có được lợi thế cho mình.
Dù xếp hạng của Việt Nam trong đánh giá của tổ chức này những năm gần đây đã có cải thiện, nhưng vẫn còn một số tín hiệu đáng quan ngại. Tỷ lệ "sẵn sàng tham nhũng" của thanh niên được khảo sát năm 2018 ở mức 49%. Mức độ "sẵn sàng tố cáo hành vi tham nhũng" là 50%. Những người được khảo sát cho rằng "việc tố cáo sẽ không có tác dụng", "lo sợ cho an toàn của bản thân" và "không phải việc của họ".
Ban Bí thư vừa ra chỉ thị 48, yêu cầu không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cán bộ công quyền dưới mọi hình thức. Đây không phải năm đầu tiên có chỉ thị này, song thực tế, chưa từng có trường hợp nào bị ghi nhận vi phạm và xử lý.
Tôi không phản đối những món quà tri ân lành mạnh, người tặng và nhận đều vui. Nhưng "bất cứ ai cũng có thể thấy sự vụ lợi trong những món quà giá trị cả trăm triệu đồng, số tiền mừng tuổi lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn USD", theo đại diện Thanh tra Chính phủ. Ông cho rằng "cán bộ liêm chính sẽ kiên quyết từ chối những món quà có mùi vị không trong sáng". Rằng khi ấy, truyền thống văn hóa này đã bị lợi dụng cho những mục đích cá nhân.
Chỉ thị cấm tặng quà mọi năm của ban, ngành, chính quyền các cấp luôn cần thiết. Song có lẽ thay vì chỉ cấm tặng quà, cũng cần quy định cụ thể "cấm nhận quà" hay có quy chế yêu cầu lãnh đạo, cán bộ công quyền được nhận quà có giá trị, kèm phong bì phải kê khai, nộp thuế hoặc xác định giá trị phong bì, hoặc nộp lại cho ngân sách, tổ chức. Biết đâu, đây là nguồn bổ sung đáng kể cho ngân sách đang cần tập trung chống dịch.
Nghe ý tưởng của tôi, tài xế vị sếp cười lắc đầu: "làm gì có chuyện". Còn lợi ích thì người ta còn duy trì các giao dịch biếu tặng, trừ khi chính các mối quan hệ lợi ích được luật hóa đủ cụ thể, công khai, minh bạch kèm theo chế tài. Và chế tài phải được thực thi.
Vũ Ngọc Bảo