Sở dĩ có câu hỏi cắc cớ này là từ một cuộc khảo sát liên quan đến hôn nhân của bạn bè. Hóa ra là rất nhiều người sống quanh tôi, trong việc duy trì thể chế nhỏ là gia đình, không có nhu cầu minh bạch tài chính. Tin nhau rồi thì không cần quan tâm, mọi người nói. Miễn là đối phương vẫn làm tròn các nghĩa vụ thì thậm chí tôi còn chẳng cần biết lương của anh ấy/cô ấy. Khi động đến các kế hoạch chi tiêu lớn thì mọi người mới bàn bạc với vợ/chồng.
Một số còn cho rằng việc cố gắng bạch hóa thu chi tạo ra những khúc mắc tâm lý không đáng có, tạo ra những câu hỏi tế nhị mà không hỏi từ đầu là tốt nhất. Săm soi quá chuyện tiền nong có thể ảnh hưởng đến niềm tin.
Chính tôi, khi nhìn lại, trong suốt cuộc hôn nhân, chưa bao giờ biết lương của vợ. Tôi nhớ các ngân khoản lớn, vì "bị" giao trách nhiệm quyết định chuyện đất đai, nhà cửa. Tôi không mấy bận tâm đến các khoản chi thường nhật. Điều này quả thật dựa trên niềm tin đối phương sẽ tự quyết định cho lợi ích chung.
Nếu chuyện tiền nong trong gia đình thường xuyên được ứng xử kiểu "tin nhau là chính", tại sao chúng ta lại căng thẳng trước các vấn đề ngân sách nhà nước? Không minh bạch ngân sách nhà nước thì có sao không?
Độc giả có thể cho rằng đây là một câu hỏi ngớ ngẩn. Nhưng cơ sở của tư duy phản biện là như vậy: ta không chấp nhận cái gì là hiển nhiên. Ta thử lật ngược mọi thứ, để tìm kiếm những góc cạnh mới trong suy nghĩ.
Trên thế giới có những quốc gia không công khai ngân sách trong nhiều thập kỷ, ví dụ như Myanmar.
Tôi dành nhiều thời gian theo dõi sự thay đổi của quốc gia này. Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trên một con phố trung tâm ở Yangon năm 2014. Những khu nhà tập thể tróc sơn, vài người bán hàng rong đẩy xe đồ ăn vặt (cũng tróc sơn) trên phố, góc kia là một người ngủ gục bên chiếc điện thoại bàn công cộng (đã xỉn màu), góc khác là một người đang đẩy cục nước đá to đùng đi bán lẻ, nước chảy lã chã. Trời rất nắng, nhưng không thể tìm được cửa hàng nào có tủ lạnh. Anh giao nước đá dùng xà beng đục ra những cục nhỏ bán lẻ cho chủ sạp hoa quả, quán giải khát. Giá SIM di động năm 2014, quy đổi ra tiền Việt, là khoảng gần hai triệu mỗi chiếc.
Trong khung cảnh tồi tàn, bạn nhìn thấy nhiều vấn đề. Nhưng bạn không thấy vấn đề nào là "minh bạch ngân sách" cả, hay ít nhất nó chẳng hiện lên trên những gương mặt, những nếp nhà. Năm 2017, tôi quay lại, thành phố đã giải nhiều bài toán theo cách chóng mặt. Các nhà đầu tư Trung Quốc, Ấn Độ và cả Việt Nam đã tới theo cơ chế kêu gọi đầu tư. Cao ốc mọc lên ngồn ngộn. Giá cước viễn thông đã về mức bình dân, cũng nhờ nhà đầu tư nước ngoài. Siêu thị khắp nơi, tủ mát đầy nước giải khát.
Có rất nhiều thứ đã được giải quyết ở đó: thu hút vốn đầu tư; cơ chế bầu cử; thúc đẩy thương mại, dịch vụ, sản xuất; cải tạo hạ tầng... Trong một giây phút tôi đã giật mình rằng cứ thế này thì Myanmar có khi vượt cả Việt Nam. GDP của họ tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua. Nhưng họ vẫn không minh bạch ngân sách (thế mới tài).
Myanmar suốt 4 thập kỷ không công bố các báo cáo ngân sách nhà nước cho dân xem. Năm 2015, chính phủ nước này mới bắt đầu hé một bản công bố ngân sách không toàn diện, còn trước đó toàn là báo cáo nội bộ. Xếp hạng quốc tế về minh bạch của Myanmar thấp nhất tại ASEAN. Nhưng thế thì sao?
Nhiều cán bộ Myanmar, theo khảo sát của Asia Foundation (Quỹ Châu Á), nghĩ rằng việc công bố báo cáo thu chi ngân sách chỉ khiến cơ quan nhà nước nhận bình phẩm tiêu cực. Đến đây bạn sẽ thấy chuyện na ná quan niệm "tài chính gia đình" tôi nhắc ở đầu bài. Nhà bao việc, mọi thứ vẫn đang chạy tốt, GDP tăng theo cấp số nhân, săm soi mấy đồng bạc rồi hoài nghi nhau làm gì?
Đây không phải là một tâm lý cá biệt. Tôi gặp nhiều cán bộ Việt Nam. Họ cũng gánh nhiều việc và hoàn thành nhiều việc. Có nhiều vấn đề xã hội thực sự được giải quyết, kinh tế có phát triển. Có nhiều quyết sách đúng được đưa ra. Hàng ngày tôi giải quyết bao nhiêu chuyện quốc kế dân sinh, mà cứ chì chiết tôi vì mấy cái báo cáo tài chính không đúng hạn, hay ông chánh văn phòng mua ba chục bộ ấm chén bị đắt, có đáng không?
Và có lẽ vì tâm lý "nhà bao việc trọng đại" nên nhiều cơ quan chính phủ Việt Nam xem thường cáo bạch thu chi. Theo bảng xếp hạng MOBI 2019 (Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan trung ương năm 2019), có tới 13 Bộ, cơ quan Trung ương của nước ta không hề công khai ngân sách trên website theo luật định, trong đó có 2 trường Đại học Quốc gia, Bộ Xây dựng hay... Kiểm toán Nhà nước.
Phần lớn các bộ, cơ quan trung ương khác công bố thiếu, chậm so với quy định. Trong 44 bộ được đánh giá chỉ số MOBI, chỉ có 8 bộ đăng báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị năm 2019.
Không minh bạch ngân sách thì có sao không? Bộ trưởng vẫn ngồi hết nhiệm kỳ, các vụ trưởng Vụ tài chính khả năng cũng thế, dân cũng không phải ai cũng để tâm, nền kinh tế vẫn vận động. Chì chiết họ cũng có thể mặc kệ: chính tôi, đã dành nhiều năm để viết các bài đay nghiến vấn đề minh bạch ngân sách, rồi sang năm lại phải viết y hệt như thế.
Hãy quay trở lại với điển hình Myanmar. Chuyện thú vị nằm ở đây: Asia Foundation, tổ chức dành nhiều thời gian vận động minh bạch ngân sách tại Myanmar, đã không chọn cách chì chiết, tố cáo. Trong thập kỷ qua, tổ chức này khuyến khích các cơ quan công tại Myanmar công bố "thử nghiệm" các báo cáo ngân sách đến các nhóm nhỏ, và đạt hiệu quả bất ngờ. Phản hồi từ công chúng là tích cực. Điều này khiến cho "văn hóa cáo bạch" ở Myanmar được khuyến khích. Từ con số 0, ngày càng nhiều cơ quan công quyền nước này minh bạch ngân sách.
Tại sao công chúng lại đón nhận các báo cáo ngân sách một cách tích cực? Đầu tiên, nó cho thấy cơ quan kia có khả năng tuân thủ các nguyên tắc đề ra. Thứ hai, việc biết rằng cuối kỳ anh phải cáo bạch, đồng nghĩa với khả năng cao là anh đã cân nhắc trước các quyết định chi tiêu. Điều này khiến cơ quan công bố trở nên đáng tin hơn. Thứ ba, quan trọng nhất, việc công bố báo cáo ngân sách thể hiện một sự quan tâm tới cảm giác của người dân. Dân có thể chẳng có thời gian đọc hết cái file đầy số má, nhưng ở đây có sự giao tiếp chủ động (mang dáng vẻ) chân thành.
Trong bài viết này, tôi sẽ thử tiếp cận theo "phương pháp Myanmar". Nghĩa là tôi sẽ không phê phán những người chưa làm tốt. Tôi sẽ nêu ra những Bộ, cơ quan trung ương đứng đầu bảng xếp hạng MOBI 2019. Đó là Ngân hàng Nhà nước, Đài truyền hình Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.
Lần đầu tiên trong 6 năm viết Góc nhìn, khi bàn đến vấn đề minh bạch, tôi sẽ không đay nghiến nữa. Tôi sẽ khen những bên có ý thức tốt. Vẫn còn thiếu sót, nhưng đó là những tổ chức đã vượt qua sức ì của hệ thống quan liêu, vươn tới một văn hóa minh bạch. Họ có quyền nhận thiện cảm của công chúng. Khi ta công khai thiện cảm cho những tổ chức này, ta cho các tổ chức khác biết rằng đây là việc nên làm.
Tất nhiên, độc giả có thể tự tìm bảng xếp hạng "Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương" năm 2019 ở trên mạng và lên tiếng phê bình những cơ quan đội sổ. Đó cũng là cách tiếp cận không bao giờ cũ.
Đức Hoàng