Chị là chủ hai khách sạn ở Hà Nội, còn thư chúc mừng năm mới đã cách đây vài năm của một cơ quan quản lý nhà nước mà tôi không tiện nêu tên.
Đến mùa hè, công ty chị giám đốc lại nhận được những đề nghị như tài trợ cho cơ quan nhà nước tổ chức cán bộ đi nghỉ mát. Có khi chị nhận được yêu cầu đóng góp cho đoàn đi khảo sát nước ngoài.
Tôi đi một tỉnh, chứng kiến cảnh chủ tịch huyện mời khách ăn tối. Ăn gần xong, có mấy doanh nhân được gọi đến. Họ ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Ông chủ tịch nói: "đến phần này, các cậu giải quyết đi" - tức là trả tiền ăn.
Từ bà bán bún riêu đến ông chủ kinh doanh một hai trăm lao động phải rất cung kính các vị có chức sắc ở tỉnh, bởi họ tìm được các mối ân huệ. Cách suy nghĩ và kinh doanh như vậy không khiến doanh nghiệp cạnh tranh quốc tế được.
Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 40% GDP, 30% ngân sách, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Đó là bước phát triển nhảy vọt trong thời gian rất ngắn, vượt lên những định kiến của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung còn sót lại.
Trong cơ cấu của kinh tế tư nhân, số doanh nghiệp có đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, thực hiện hạch toán kinh tế, đóng thuế theo biên lai, chứng từ, chiếm khoảng 12% GDP. Còn lại là phần đóng góp của đông đảo các hộ gia đình, đăng ký ở quận, huyện, nộp thuế khoán, thuộc loại hình kinh tế phi hình thức.
Chính khu vực tư nhân năng động này đã hưởng ứng các chính sách của nhà nước, giúp kinh tế nước ta bước đầu vượt qua đại dịch Covid-19, đạt tăng trưởng 2,9% trong năm 2020.
So với các nền kinh tế thị trường phát triển năng động và lâu đời hơn, số 760.000 doanh nghiệp tư nhân hiện đang hoạt động trên dân số gần 100 triệu dân - tức 7,6 doanh nghiệp trên 1.000 dân, mật độ doanh nghiệp còn rất thấp. Tới 96% số doanh nghiệp đã đăng ký cũng thuộc loại doanh nghiệp nhỏ, chỉ có 2% là trung bình và 2% thuộc loại lớn, rõ ràng còn quá khiêm tốn, chỉ có thể giúp vượt qua đói nghèo chứ chưa đủ mạnh để đưa nước ta trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao.
Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động và năm 2030 sẽ có hai triệu doanh nghiệp trên dân số 100 triệu người. Nhưng mật độ ấy vẫn thấp so với Hong Kong, Singapore hay Đài Loan trong khi doanh nghiệp là lực lượng tạo ra tăng trưởng kinh tế, đem lại việc làm cho xã hội và thu nhập cho đất nước.
Theo kết quả điều tra về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI, vẫn có đến 58% trên tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.
Không ít địa phương ưu tiên, ưu đãi đầu tư nước ngoài nhiều hơn phát triển các doanh nghiệp dân tộc. Họ miễn giảm thuế, tạo mặt bằng đất đai thuận lợi hơn để thu hút "đại bàng", để trở thành tỉnh công nghiệp. Lưu ý rằng, thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài không thể đại diện cho đất nước Việt Nam, và về lâu dài, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có thể chuyển sang nước khác khi có điều kiện thuận lợi hơn.
Muốn kinh tế tư nhân phát triển thì những rào cản phải được loại bỏ. Hiện còn đến khoảng 6.000 giấy phép con rất cần được cải tiến hay chuyển sang số hóa, giảm bớt chi phí về thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp. Trong cải cách thể chế, nâng cao sự trong sạch của môi trường kinh doanh không thể bỏ qua vai trò của chính quyền. Đặc biệt, phải có quy định nghiêm cấm công chức đòi hỏi doanh nghiệp "cõng" thêm chi phí không tên. Đồng thời, nhà nước có chính sách dài hạn để nâng đỡ họ.
Giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp "muốn lớn" trong giai đoạn mới. Một là, thực hiện cải cách theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Hai là, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nền kinh tế số, bằng hỗ trợ và chính sách cụ thể thay vì hô hào chung chung.
Đã đến lúc thực hiện phương châm Đại hội VI của Đảng năm 1986: "Nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật", tự trung thực với chính mình để điều chỉnh, phát triển chất lượng sang trình độ khoa học - công nghệ cao hơn. Nếu không, nỗ lực cải cách thể chế của chúng ta sẽ đụng đến các giới hạn, không tiến tới được.
Chính phủ đã phê duyệt và ban hành "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với ba trụ cột chính gồm: xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Trong chiến lược này, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ gặp khó về năng lực quản trị để theo kịp tốc độ thay đổi, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị - là chìa khóa để chuyển đổi số.
Nhìn ra thế giới, đằng sau sự thành công của Samsung có hẳn bộ máy đồ sộ của nhà nước và các tổ chức nghiên cứu Hàn Quốc. Bộ kinh tế, bộ thông tin, bộ thương mại, các viện... đã giúp Samsung bán điện thoại khắp thế giới.
Với doanh nghiệp dân tộc, hơn bao giờ hết, chuyển đổi số đòi hỏi phải tập huấn cho chủ doanh nghiệp hay hộ gia đình kinh doanh, hộ nông dân, hướng dẫn kết nối và cải cách quản trị để chuyển sang kinh tế số.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể chủ động thay đổi, bắt đầu từ những chuyện rất nhỏ để nâng cao chất lượng của mình. Ở Sài Gòn, có chị chuyên làm cá kho tộ xuất khẩu, cả cá bông lau, cá lóc, cá bống mú. Mỗi tộ chị nấu với hương vị khác nhau. Nấu xong thổi một luồng khí nitơ rất lạnh vào rồi đóng giấy bạc. Hàng bán chạy ở nước ngoài. Người Việt ở Mỹ, Canada đi làm cả tuần, cuối tuần gặp nhau mua cá kho tộ về, mở ra thơm lừng, mừng như được trở lại quê nhà. Một công nghệ nhỏ đã làm cho người mua và người kinh doanh đều tốt đẹp.
Bước tiến vũ bão của công nghệ đang làm thay đổi cục diện của kinh doanh hàng ngày, hàng giờ. Khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng thống Mỹ Obama nói chuyện trong Nhà Trắng, theo lịch trình chỉ làm việc 45 phút, nhưng hai người đã kéo dài đến 75 phút. Ông Obama sau đó đã lấy đồng hồ của mình ra khoe với ông Nguyễn Phú Trọng về chức năng mới của nó, đo được nhịp tim, lượng mỡ trong máu, nhịp thở... Đồng hồ của Obama kết nối với vệ tinh. Bác sĩ riêng của Tổng thống Mỹ cứ nhìn lên màn hình, thấy bất thường lập tức có biện pháp liền.
Những đột phá như vậy đã mở ra những bước tiến quan trọng. Xe tự lái của Google đã bắt đầu chạy trên phố. Sự giàu có của thế giới tập trung vào các trung tâm sáng tạo và các quốc gia phát triển khoa học công nghệ sáng tạo. Thế giới bây giờ không phẳng mà "nhanh". Trong đó, để xây dựng nước Việt Nam độc lập, phát triển sáng tạo, phải phát huy sức mạnh gồm tất cả người Việt thông qua phát triển toàn diện kinh tế tư nhân.
Đại Hội XIII của Đảng với những thay đổi về bộ máy và chiến lược được toàn dân và doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chấn hưng dân tộc. Trong đó, chính sách đối với kinh tế tư nhân là chính sách chấn hưng nền kinh tế.
Lê Đăng Doanh