Trước Tết Nguyên đán, Ban Bí thư ra chỉ thị số 48 về việc tổ chức Tết 2021, trong đó nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức. VnExpress phỏng vấn TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế Thanh tra Chính phủ, về nội dung này.
- Việc cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo được các cấp có thẩm quyền nhắc nhở nhiều lần mỗi dịp cuối năm. Ông nghĩ như thế nào về quy định này?
- Cứ mỗi dịp xuân về, ngoài việc chăm lo cho người dân có cái Tết đủ đầy vui vẻ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn nhắc nhở việc cấm biếu tặng quà tết bởi thực tế truyền thống văn hóa này đã bị lợi dụng cho những mục đích cá nhân.
Không phải tự nhiên mà một trong những biểu hiện "chạy chức, chạy quyền" được Đảng chỉ ra tại Quy định số 205-QĐ/TW là:"Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác để tặng quà, tiền... cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi".
Do đó, việc Ban Bí thư và Thủ tướng ra Chỉ thị, yêu cầu các địa phương không biếu tặng quà Tết là điều cần thiết. Quy định này lần đầu được đưa ra năm 2004, trong Chỉ thị 47 của Ban Bí thư, Chỉ thị 48 của Thủ tướng, nêu rõ: "Không mang hoa, quà đến nhà riêng các lãnh đạo để chúc Tết". Quy định này được nhắc lại nhiều lần nhưng không bao giờ thừa. Thói quen muốn bỏ phải dần dần, năm trước nói rồi, năm nay lại nói, sang năm nói tiếp...
Cũng phải thừa nhận rằng, không phải không có người, có địa phương cực chẳng đã phải đi lễ tết cho "phải phép" chứ thâm tâm họ không muốn. Chỉ thị của cấp trên cho họ lý do bớt "lăn tăn".
- Tính khả thi của quy định này như thế nào khi việc tặng quà có thể biến tướng thành nhiều hình thức khác nhau?
- Các quy định dù khác nhau nhưng đều nhằm tác động, làm cho hành vi ứng xử của con người đúng đắn, phù hợp. Quy định đó có thể thực hiện trên thực tế hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, trước hết là nhận thức và ý thức tự giác của mọi người.
Việc tặng quà có thể bị biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng không phải là không thể xử lý. Khi đưa quà bao giờ họ chẳng nói "mừng sinh nhật anh", hay "có chút quà Tết", có ai nói là tôi đưa hối lộ đâu. Nhưng giá trị món quà đã nói lên tính chất của việc đưa quà; và người cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo buộc phải nhận thức được điều đó để ứng xử cho phù hợp.
Không ai có thể chấp nhận số tiền "mừng tuổi" lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn USD; và bất cứ ai cũng thể thấy sự vụ lợi trong những món quà có giá trị cả trăm triệu đồng. Pháp luật luôn công bằng, sáng suốt và sẽ có cách để xử lý những trường hợp như thế.
Xin nhấn mạnh rằng, trong chuyện quà cáp thì thái độ ứng xử của người được tặng quà là rất quan trọng, thậm chí là mang tính chất quyết định. Một người cán bộ liêm chính sẽ kiên quyết từ chối những món quà có "mùi vị" không trong sáng.
- Quy định này được thực hiện ở Thanh tra Chính phủ thế nào?
- Bản thân Thanh tra Chính phủ là cơ quan tham mưu để ban hành các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó có các quy định về tặng quà và nhận quà, nên chúng tôi nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các quy định này.
Không chỉ quán triệt các quy định của pháp luật, các chỉ thị, yêu cầu của Trung ương mà trong các cuộc họp cuối năm, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, đặc biệt là Tổng thanh tra luôn nhắc nhở cán bộ, công chức thanh tra về văn hóa ứng xử, về tình đồng chí, đồng nghiệp trong công việc và trong cuộc sống, đề cao các giá trị nhân văn để xua tan những biểu hiện không lành mạnh trong câu chuyện quà cáp dịp cuối năm.
Hơn ai hết, người đứng đầu ngành thanh tra cùng các đồng chí lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã thể hiện sự gương mẫu cao nhất và điều đó có sức thuyết phục, lan tỏa đến toàn ngành.
Cá biệt có cán bộ thanh tra thiếu liêm chính, chuẩn mực, tuy nhiên, việc thực hiện các chỉ thị, yêu cầu của Đảng và Nhà nước về cấm biếu tặng quà tết ngày càng nghiêm túc hơn. Chúng tôi đang cố gắng thực hiện, để việc này trở thành một nét đẹp văn hóa của Thanh tra Chính phủ cũng như của toàn ngành.
- Cấm biếu tặng quà nhưng chúc tết, chúc nhau an lành là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Làm thế nào để vẫn duy trì được văn hóa truyền thống nhưng không vi phạm quy định, thưa ông?
- Tặng quà trong các dịp lễ Tết vốn là câu chuyện mang tính văn hóa. Quà tặng thể hiện tình cảm quý mến, sự trân trọng, biết ơn của truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây"..., nên cũng đòi hỏi chúng ta phải ứng xử hết sức văn hóa.
Bản thân các quy định về quà tặng hay các chỉ thị, yêu cầu về vấn đề này cũng không cứng nhắc cấm đoán mà trước hết là nhắc nhở cán bộ, công chức về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn sự liêm chính.
Với nhận thức đầy đủ và cách ứng xử văn hóa, chuyện quà cáp sẽ giữ nguyên được giá trị văn hóa của nó trong đời sống của người Việt Nam. Ngày xuân thăm hỏi, gặp gỡ, chúc nhau an lành và có thể một chút quà nho nhỏ chắc không có gì đáng trách, bởi vì tình cảm thì luôn đáng trân trọng.