Bản danh sách này có thể tạo ra nhiều suy ngẫm thú vị. Đó là một biên bản mổ xẻ và bóc tách lạnh lùng các món quà, vốn thường hay bị làm mờ giữa “ý nghĩa tinh thần”, “phong tục văn hóa” và “ý nghĩa vật chất”, hay các thứ giá trị lẫn lộn khác. Nó gồm 4 cột. Cột đầu tiên, là “Tên và chức danh của người thay mặt chính phủ Mỹ nhận quà”.
Những cái tên trong danh sách gần nhất, năm 2015, bao gồm Tổng thống Obama, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama, Ngoại trưởng John Kerry…
Mấy chữ “thay mặt chính phủ nhận quà” là nhát dao mổ đầu tiên. Nó hàm chứa một thông điệp rất rõ ràng. Ở đâu đó trên truyền thông, hoạt động trao và nhận quà có thể được mô tả là người tặng người. Nhưng bởi vì nhân vật đó đang đại diện cho tổ chức, và người ta tặng quà vì chức trách của anh, nên cuối cùng, dù có là tổng thống, anh chỉ là người đại diện đứng ra nhận.
Cột thứ hai, là mô tả món quà, ngày nhận, giá trị (ước tính) của món quà và chỗ cất giữ hiện tại.
Việc các món quà được chuyển vào kho lưu trữ là điều hiển nhiên. Nó không thuộc sở hữu cá nhân. Người “thay mặt nhận” có thể sở hữu món quà nếu như họ bỏ tiền ra mua lại nó, theo giá trị ước tính. Các bà Hillary Clinton hay Teresa Heinz Kerry - vợ ông John Kerry - từng bỏ tiền túi ra mua lại những món quà mà mình thích.
Nhưng việc định giá các món quà, mới là nhát dao mổ thứ hai. Nó cắt thẳng vào mớ dây nối giữa “giá trị tinh thần” và “giá trị vật chất” của quà tặng. Mớ nhùng nhằng đó vốn thường xuyên là một chủ đề gây tranh cãi ở nước ta (hãy nhớ lại mỗi mùa Trung thu hay Tết Nguyên đán). Ở đây, mọi thứ đều được định giá bằng hiện kim. Đồ trưng bày hay trang sức là một nhẽ, ngay cả những thứ thiên về ý nghĩa tinh thần như đĩa nhạc, tranh hay sách cũng được định giá.
Sự quy đổi cơ học này có thể mang ý nghĩa cao hơn một thủ tục. Nó là một lối nghĩ: nếu như mọi hoạt động trao và nhận quà, cho dù là bộ ấm chén hay hộp bánh trung thu, áp lối nghĩ số học “thiếu tế nhị” này vào quà tặng, có thể tạo những cái giật mình. Thay vì diễn đạt rằng: “Cán bộ X nhận một hộp bánh trung thu từ đối tác”, mô tả lại thành: “Cán bộ X nhận một hiện vật trị giá 200 USD từ đối tác”, thì ta sẽ tiếp cận vấn đề xung đột lợi ích một cách mạch lạc hơn. Không còn bối cảnh phức tạp, không còn những biện luận rắc rối về “nét văn hóa” hay “mùa tri ân”, nhát dao mổ của người Mỹ rất lạnh lùng.
Cột thứ ba, là tên và chức danh của người tặng. Đó là các nguyên thủ và cán bộ cao cấp của nhiều quốc gia trên thế giới. Cột cuối cùng, đơn điệu nhất, là “Bối cảnh biện minh cho việc nhận quà”.
Từ “biện minh” (justifying) cho việc nhận này, là nhát dao mổ thứ ba. Nó nói lên một quan niệm rất rõ ràng của các tổ chức trong nỗ lực chống xung đột lợi ích: đó là khi một món quà được tặng, thì việc từ chối là mặc định. Nếu không từ chối, thì phải có lý do thỏa đáng.
Cột này, như trong biên bản nhận quà năm 2015 của Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ có đúng một lý do, được lặp lại 721 lần với 721 món quà: “Việc không nhận quà có thể tạo ra sự khó xử cho chính phủ Mỹ và người tặng”.
Diễn đạt bằng ngôn ngữ đơn giản, thì nhận quà là việc “cực chẳng đã”.
Nếu mỗi sự kiện có tặng quà, cho dù là một hội thảo cấp cao hay là một lễ kỷ niệm cấp địa phương, ngày lễ tết hay dịp sinh nhật, các quy chuẩn lạnh lùng này được áp dụng, rất có thể ta sẽ mang một thái độ khác với quà tặng. Đầu tiên, nó cho người ta cơ hội bảo vệ lòng tự trọng của mình: câu hỏi đầu tiên được đặt ra với một món quà, là nó dành cho cá nhân anh, hay dành cho cái vị trí anh đang nắm giữ. Thứ hai, nó cho người ta cơ hội nhìn nhận các xung đột lợi ích có thể vấp phải: không còn những thứ khái niệm mờ như “nét văn hóa” hay “chút lòng thành”, quà tặng được định giá bằng những con số.
Và cuối cùng, điều đáng kể nhất, là nếu mổ xẻ giá trị của quà tặng đến cùng, nó khiến người ta trân trọng việc trao và tặng quà hơn.
Không phải các chính phủ khác không biết rằng quà của họ sẽ bị cất vào kho. Nhưng chính vì thế, khoảnh khắc tặng quà và ý nghĩa biểu tượng của việc tặng quà trong khoảnh khắc ấy càng trở nên quan trọng (lúc trao quà có thể là lần duy nhất món quà phát huy giá trị). Câu hỏi: Tại sao phải tặng/nhận món quà này được đặt ra một cách bức thiết. Và đó là điều sẽ khiến người ta đầu tư hơn vào giá trị phi vật chất - giá trị biểu tượng của món quà.
Khi Thủ tướng David Cameron tặng một đĩa nhạc các bài hát hay của Anh cho Tổng thống Obama, người quan sát hiểu rằng có thể mật vụ sẽ không để một cái CD từ nước ngoài được nhét vào bất kỳ một thiết bị nào của Nhà Trắng. Nhưng đằng sau cái đĩa đó, và danh sách bài hát, sẽ là niềm tự hào của một nền văn hóa.
Sẽ không còn những món quà cẩu thả, đại trà, nặng tính tiếp thị, nếu như chúng ta xác định được việc tặng quà thực sự có ý nghĩa thế nào.
Tất nhiên, mớ lý thuyết này sẽ vô dụng trong một trường hợp: những người tặng và người nhận, vẫn mổ xẻ đến tận cùng giá trị của một món quà, vẫn xác định được rõ ràng đâu là giá trị vật chất, đâu là giá trị tinh thần, đâu là xung đột lợi ích. Nhưng nhận thức xong rồi chỉ để mỉm cười hài lòng với giá trị vật chất thu được, rồi ra về.
Trường hợp này không hiếm. Bóc tách giá trị món quà, chỉ là cơ hội để bảo vệ lòng tự trọng. Còn tận dụng cơ hội ấy hay không, là chuyện khác.
Đức Hoàng