"Đi du lịch Thái Lan giá rẻ hơn đi trong nước, lại được phục vụ ổn, không sợ kẹt xe tắc đường vào dịp nghỉ lễ. Bạn đi chơi mà vừa rẻ, vừa có nhiều thứ để chơi, nhiều lựa chọn ăn uống, vậy tội gì mà không đi Thái? Trong khi đó, ở Việt Nam kẹt xe, hét giá, vé tàu xe, máy bay 'trên trời', vậy làm sao giữ chân được người Việt, chưa chưa nói đến du khách nước ngoài".
Đó là quan điểm của độc giả Demynguyenvn cho câu hỏi "Vì sao người Việt mê du lịch Thái Lan?". Tới Thái Lan nhiều hơn về quê, vẫn háo hức quay lại dù đến những nơi cũ là suy nghĩ của không ít người Việt. Khả năng kéo du khách trở lại nhiều lần là một trong những thế mạnh của du lịch Thái Lan. Ước tính 70% du khách đến nước này quay trở lại. 22% du khách Việt đến Thái Lan muốn quay trở lại vào năm sau.
>> 'Vé máy bay tới TP HCM 30 triệu đồng, gia đình tôi đi du lịch Thái Lan'
Cũng là một người bị du lịch Thái Lan chinh phục, bạn đọc T.Tran chia sẻ: "Phong cảnh ở Việt Nam đẹp, thức ăn ngon, nhưng du lịch Việt thiếu cái để du khách có thể vui chơi. Người ta không thể chỉ ngắm cảnh, và ăn uống là xong, mà còn muốn được giải trí. Riêng về khoản này thì Thái Lan làm rất tốt, khiến khách muốn quay lại chơi tiếp, bởi vậy lượng khách du lịch của họ luôn đông hơn chúng ta.
Một yếu tố nữa là dịch vụ của họ có giá rẻ hơn, tận tâm hơn, làm người dùng có cảm giác rất hài lòng. Các dịch vụ đi kèm ở Việt Nam cũng vừa ít, vừa khó tìm, dù chưa tới mức 'chặt chém' nhưng giá cả vẫn cao hơn chất lượng nhận được.
Nên nhớ, đắt hay rẻ không hẳn liên quan đến tốn tiền nhiều hay ít, mà là tương quan giữa số tiền bỏ ra và chất lượng nhận được. Việt nam nằm trong top du lịch đắt đỏ vì chất lượng dịch vụ thấp. Nhiều lúc người ta sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để nhận về sự mãn ý chứ không phải rước bực vào người.
Ở Thái Lan người làm dịch vụ luôn đảm bảo khách hàng được vừa lòng. Còn tại Việt Nam, nhiều người bán hàng, cung cấp dịch vụ lại có thái độ 'không thích thì đi chỗ khác'. Trải nghiệm người dùng rất quan trọng. Cách làm du lịch ở ta chưa tìm hiểu đầu tư đủ mặt này. Muốn không bị đánh giá, chê bao, người làm du lịch Việt Nam cần phải nhìn thẳng vào yếu kém để khắc phục, chứ đòi hỏi du khác phải bao dung thì cạnh tranh sao nổi?".
Cho rằng nguyên nhân chính khiến du lịch Việt đánh mất khách nội địa nằm ở tình trạng "chặt chém", độc giả Thivv lấy dẫn chứng: "Chặt chém gần như là thói quen của người làm du lịch Việt, vì hầu hết đến khu du lịch nào cũng vậy. Với cách làm này, chúng ta không thể nào phát triển bền vững được.
Tôi vừa đi Vũng Tàu, ở đó thuê một cái ghế ngoài biển cũng bị hét giá khoảng 120.000 đồng, mà nhìn cái ghế cũ kỹ, dơ bẩn. Thật sự, với giá này, theo tôi là không xứng đáng. Hay tôi mua một cái súng nước cho con chơi cũng phải trả 130.000 - 150.000 đồng (tùy chủ bán). Trong khi đó, loại tương tự ra chợ mua chưa tới 30.000 đồng. Thế nên, người ta đi để trải nghiệm một lần cho biết chứ bảo để quay lại thì hầu hết sẽ nói không".
Trong khi đó, bạn đọc Nguyenthuyhang lại đánh giá cao hệ thống giao thông công cộng ở Thái Lan: "Sang Bangkok, tôi chỉ thấy họ hơn hẳn Hà Nội hay TP HCM ở chỗ là có hệ thống giao thông công cộng phát triển (cái này mình phải nhận thua toàn diện). Đối với khách du lịch, việc này giúp họ đi lại sẽ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, họ cũng có kẹt xe, thậm chí nguyên ngày (từ sáng tới khuya), gọi taxi rất mệt mỏi. Đồ ăn của Thái Lan thực ra cũng không quá tươi ngon, hàng rong và rác thải cũng khá nhiều. Xe Tuktuk hay taxi vẫn nói thách và khách phải trả giá. Nói vậy để thấy không phải Thái Lan cái gì cũng hơn ta, quan trọng là họ biết tận dụng những thế mạnh của mình để làm hình ảnh với du khách quốc tế".
>> 'Du khách tiêu tiền đến nửa đêm ở Thái Lan, đi ngủ từ 22h ở Việt Nam'
"Tóm lại, điểm thu hút khách du lịch của Thái Lan là: ít chặt chém; con người văn minh hơn; làm kinh tế bền vững; thái độ niềm nở; giá cả phải chăng (10 năm không đổi), đồng đều về chất lượng; đồ ăn, hàng hóa đa dạng, bài trí thu hút, ít xả rác, thủ tục sân bay nhanh chóng, không có karaoke ồn ào, luôn nhường đường cho người đi bộ... Những điều này khác hẳn với thói quen của người Việt.
Nếu chúng ta cứ mang tư tưởng 'vắng mợ chợ vẫn đông', chi lo kiếm tiền trước mắt, không tính đến chuyện lâu dài, mặc kệ khách có quay lại hay không, làm ăn chộp giật, thủ tục rườm rà... thì chính người Việt cũng sẽ quay lưng chứ chưa nói đến khách nước ngoài. Vậy sao chúng ta không sớm thay đổi thực tế đó?", độc giả Tiểu đệ kết lại.
- 10 năm 'nghiện' du lịch Thái Lan
- 'Muốn quay lại ngay sau 5 ngày du lịch Thái Lan'
- Du lịch Việt chỉ dành cho người 'đi một lần cho biết'
- Khách Việt kéo sang Thái Lan vì trong nước 'mạnh ai nấy kiếm'
- Bao giờ trung tâm thương mại, sân bay Việt bán đồ ăn rẻ như Thái Lan?
- 'Bốn lần đi du lịch Thái Lan vẫn chưa thấy chán'