Thông tin tiếng Hàn và Đức sẽ được dạy thí điểm như môn Ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông đang gây nhiều tranh cãi. Nhiều người phản đối vì hiểu sai khái niệm "bắt buộc". Chúng ta cần phân biệt rõ hai phạm trù: "Tiếng Hàn, Đức được lựa chọn là ngoại ngữ bắt buộc" và "học sinh bắt buộc phải lựa chọn ngoại ngữ là tiếng Hàn hoặc Đức". Đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Học sinh có quyền lựa chọn tiếng Hàn, Đức là ngoại ngữ 1 (bắt buộc), bên cạnh tiếng Anh, Pháp, Nga, Nhật, Trung như trước đây. Do đó, con bạn hoàn toàn có thể tiếp tục học tiếng Anh như hiện nay hoặc một ngoại ngữ khác trong danh sách trên. Không có chuyện bắt buộc học sinh phải học thứ tiếng nào đó như nhiều tranh cãi trong mấy ngày qua.
Nói vậy để thấy, quyết định của Bộ Giáo dục & Đào tạo không có gì là bất cập để dư luận giận dữ. Cũng có nhiều người đặt câu hỏi rằng: tại sao lại bổ sung thêm thứ tiếng mới vào danh sách ngoại ngữ 1 (hiện đã lên tới con số bảy), trong khi tiếng Anh (ngoại ngữ phổ biến nhất tại Việt Nam) bao năm qua vẫn khiến xã hội đau đầu về chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông? Nên chăng thay vì làm phức tạp hơn công tác đào tạo, chúng ta chỉ cần cải thiện chất lượng dạy và học những ngoại ngữ hiện có, nhất là tiếng Anh? Tôi không đồng tình với quan điểm đó.
Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu, học tập các ngoại ngữ mới trong xã hội ngày một tăng cao, đặc biệt là tiếng Hàn. Chúng ta có thể dễ dàng thấy giới trẻ Việt bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa giải trí của Hàn Quốc, điển hình là các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, truyền hình... Dó đó, việc đưa tiếng Hàn thành ngoại ngữ 1 sẽ giúp cho các thế hệ học sinh có cơ hội tiếp cận, lựa chọn thứ tiếng mình yêu thích. Qua đó, góp phần kích thích tinh thần ham học hỏi của người học.
Mặt khác, việc bổ dung thêm tiêng Hàn, Đức vào danh sách ngoại ngữ 1 sẽ khiến người dạy ngoại ngữ khác như Anh, Pháp, Trung... phải liên tục tìm cách thay đổi phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy để giữ chân được người học và không bị lép vế trước sự lớn mạnh của tiếng Hàn. Vô hình trung, chúng ta tạo nên một cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các ngoại ngữ, người hưởng lợi sau cùng đương nhiên là các học sinh.
>> Nhiều người Việt ám ảnh phải giỏi tiếng Anh
Với những điểm tích cực trên, tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định dạy thí điểm tiếng Hàn, Đức. Vấn đề duy nhất ở đây, theo tôi là chúng ta sẽ tạo lộ trình đào tạo các ngoại ngữ đó thế nào mà thôi. Phải thừa nhận rằng, hiện nay, chúng ta gần như chỉ tập trung cho tiếng Anh. Đại đa số các trường phổ thông ở ta thường chỉ dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ bắt buộc. Rất ít cơ sở chọn đào tạo tiếng Nga, Pháp, Trung, Nhật.
Tôi từng rất chật vật ở bậc phổ thông cũng vì chuyện này. Tôi học tiếng Pháp ở cấp hai, nhưng buộc phải quay về tiếng Anh ở cấp ba do có quá ít trường THPT dạy tiếng Pháp. Việc đó khiến quá trình học tập của tôi bị ảnh hưởng nhiều, tôi không được tiếp tục học sâu hơn thứ ngoại ngữ mà mình yêu thích, lại phải cố học bù để đuổi kịp các bạn học tiếng Anh từ đầu.
Do vậy, theo tôi, cần tạo được lộ trình đào tạo thống nhất, xuyên suốt các cập học, làm sao để học sinh có thể theo học một thứ ngoại ngữ từ lớp 3 đến lớp 12. Có như vậy, tiếng Hàn, Đức mới không bị lép về trước tiếng Anh như trường hợp đã và đang xảy ra với tiếng Nga, Pháp, Trung, Nhật.
Hiện nay, ở Hà Nội, trừ các trường chuyên dạy chuyên nhiều ngoại ngữ, mới chỉ có trường THPT Chu Văn An, Kim Liên có lớp học tiếng Nhật, trường Việt Đức có lớp tiếng Nhật và Đức, trường Sơn Tây có lớp tiếng Pháp. Con số này là quá ít ỏi, khiến việc đào tạo thiếu cân bằng, giảm số lượng học sinh theo học, gây lãng phí cho giáo dục.
Tóm lại, việc bổ sung vào danh sách ngoại ngữ 1 cho học sinh lựa chọn là một cải cách đáng khen của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, đa dạng loại hình đào tạo phải đi kèm với nâng cao chất lượng dạy và học. Nếu không, mọi kỳ vọng của chúng ta sẽ trở thành công cốc.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.