Đọc nhiều bài viết với các quan điểm khác nhau của độc giả về câu chuyện 'dạy con Tây nói tiếng Việt', tôi cho rằng điều chúng ta đang bàn ở đây là làm sao để giữ gìn nguồn gốc dân tộc, làm sao để một đứa trẻ sinh ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam không bị mất gốc?
Tôi khác với hầu hết các tác giả khi đã quyết định không đi đâu cả mà ở lại quê hương. Đến giờ, với tôi đó vẫn là một quyết định đúng đắn, dù hơn hai phần ba dòng tộc của mình đã sang Mỹ định cư. Ngay cả bố mẹ và các em của tôi cũng thế. Điều tôi hạnh phúc nhất vẫn là được sống và làm việc tại Việt Nam. Tôi đang sống tại TP HCM, cuộc sống rất tốt, cùng một người vợ hiểu biết, và ba đứa con dễ thương.
Có người nói phải ưu tiên cho trẻ học tiếng bản địa trước, nhưng theo tôi, một đứa trẻ Việt nếu được sinh ra tại nước ngoài như Anh, Pháp, Đức, Mỹ... thì tiếng bản xứ không cần học nhiều cũng sẽ nói được vì môi trường quanh chúng đều nói ngôn ngữ đó cả. Thứ đáng lo ngại là chúng mất khả năng nói tiếng Việt, nhất là khi môi trường xung quanh không có người nói tiếng Việt và bản thân trẻ không được học tiếng Việt. Trong hoàn cảnh đó, nếu như cha mẹ không chủ động dạy thì làm sao con nói được tiếng Việt?
Thực tế, có không ít ông bố, bà mẹ người Việt nhưng đã bị mất gốc ngay khi còn sống tại quê hương, có thể vì giáo dục gia đình không tốt, hoặc bản thân họ đã bị lệch lạc về tư tưởng. Vì thế, khi ra nước ngoài, con cái của họ cũng không được dạy thứ tiếng của cha mẹ đẻ của chúng. Thực trạng này ngày càng phổ biến và rất cần được quan tâm điều chỉnh.
>> Tôi không chấp nhận con 'mù' tiếng Việt dù sống ở nước ngoài
Đứa trẻ được sinh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, ngoài tiếng nói bản địa là ngôn ngữ chính ra, nếu gia đình giáo dục tốt, chúng còn nói được tiếng mẹ đẻ, hoặc tốt hơn còn hiểu được truyền thống dân tộc. Đó mới là cái mà chúng ta muốn hướng đến. Còn nếu vì công việc, vì xem thường nguồn gốc, khiến con cái không thể nói được tiếng Việt, cái này gọi là mất gốc, mà theo tôi là không thể chấp nhận được.
Việc giữ gìn ngôn ngữ, giữ gìn chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, chính là gốc gác, nguồn cội. Bản thân tôi xem rằng đó là điều thiêng liêng. Vì thế, việc giáo dục và truyền dạy lại cho con cái ngôn ngữ tiếng Việt cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm cần phải làm với mỗi người Việt, dù sống ở trong nước hay nước ngoài. Nó không phải là sự thỏa mãn nguyện vọng cá nhân đơn thuần của cha mẹ như nhiều người vẫn nghĩ.
Dù chúng ta ở đâu trên thế giới này thì cũng cần phải cố gắng gìn giữ, đầu tiên là ngôn ngữ, xa hơn là truyền thống, đó mới chính là cái gốc của một dân tộc. Hãy tự hào vì mình là người Việt, hãy cho con cháu chúng ta thấy được điều đó. Hãy nhớ rằng, cái gốc của xã hội chính là gia đình, cái gốc của dân tộc cũng chính từ gia đình. Đừng để con cháu mất gốc, trước mắt là có lỗi với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, xa hơn là có lỗi với dân tộc, với đất nước.
>> Lớp trẻ Việt kiều nơi bạn sống đang nói tiếng Việt như thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.