Xung quanh câu chuyện 'quên trẻ trên ôtô' đang gây xôn xao dư luận, các độc giả VnExpress đã có những góc nhìn khác về nguyên nhân sâu xa của vụ việc. Bạn Phạm Quang Hòa chia sẻ câu chuyện thực tế về thói quen làm việc theo quy trình của người nước ngoài:
Ở Việt Nam, không biết từ bao giờ chúng ta làm việc không còn theo quy trình nào nữa mà hoàn toàn tùy tiện theo ý muốn chủ quan của từng người. Tôi nhớ hồi còn du học tại Manila (Philippines), không may bị zona thần kinh (hay còn gọi là giời leo), phải lên phòng y tế của trường để khám. Buổi sáng đến, bác sĩ cặp nhiệt độ, đo huyết áp ghi vào bệnh án xong xuôi mới thực hiện khám, chẩn đoán bệnh và viết hóa đơn mua thuốc và hẹn tôi cuối giờ chiều đến. Khi tôi đến, ông ấy lại cặp nhiệt độ, đo huyết áp rồi ghi vào bệnh án xong xuôi mới khám tiếp. Sáng hôm sau, tôi lại lên phòng y tế, bác sĩ lại lặp lại đúng quy trình mà ông ấy từng hai lần thực hiện từ hôm trước, là cặp nhiệt độ và đo huyết áp.
Một ví dụ khác là hàng tháng, sau khi nhận séc học bổng, tôi ra luôn ngân hàng ngay tại cổng trường để rút tiền. Nhân viên ở đó đã quen mặt tôi, biết rõ tên tôi và cũng biết tôi là nghiên cứu sinh ngay trong trường. Tuy nhiên, mỗi lần rút tiền thì trước khi cho rút, họ đều yêu cầu tôi xuất trình hộ chiếu và thẻ sinh viên, so sánh thấy tôi đúng là người trong hộ chiếu mới cho rút chứ không vì quen biết mà bỏ qua quy trình này.
Cùng chung quan điểm trên, độc giả Mailbusiness68 nhận định:
Người Việt mình rất thiếu ý thức làm việc công nghiệp, làm việc theo quy trình. Hay kiểu ta biết rồi, dùng trí nhớ cảm tính phỏng đoán sự việc. Đặc biệt, đối với các công việc lặp đi lặp lại, phải tuân thủ quy trình một cách nghiêm ngặt, giống như anh bảo vệ dù trời mưa, không có ai, vẫn phải đi kiểm tra một vòng công ty; anh kiểm soát thiết bị cứ hàng ngày lại đi vòng các máy để kiểm tra dù máy chạy vẫn tốt... Trường học kia, nếu tuân thủ quy trình nghiêm ngặt thì tài xế phải đánh dấu học sinh nào lên xe, điểm danh lúc xuống xe, rồi có người kiểm tra lại trên xe, hay camera trong xe kết nối với nhà trường, phụ huynh.... Do vậy, nếu người Việt muốn kiểm soát các công việc một cách chặt chẽ thì phải có quy trình (đánh giá rủi ro) và kiểm tra thường xuyên. Làm một cách nghiêm túc thì mọi rủi ro đều có thể kiểm soát được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.