Vụ việc ba trẻ mầm non bỏng nặng khi học kỹ năng thoát hiểm đang gây tranh cãi trên VnExpress.
Nhiều ý kiến cho rằng, dạy kỹ năng cho trẻ không nhất thiết phải thực hành trực tiếp:
Tại sao người lớn là bắt trẻ con tham gia vào những chuyện có thể gây nguy hiểm cho trẻ đến vậy chứ? Thời đại 4.0 rồi tại sao cô giáo không hướng dẫn cho trẻ qua hình ảnh video minh họa thay vì là cồn lửa thật... Trẻ con chỉ cần nhận thức được tốt và xấu thôi là đủ rồi, đâu nhất thiết phải thực hành với lửa thật như vậy chứ? Đã không có chuyên môn thì tốt nhất đừng làm.
Trẻ em bên Mỹ cũng học thoát hiểm nhưng không có lửa thật, còn cứu hỏa họ mới dùng lửa thật nhưng là vỏ xe, dầu, chứ không bao giờ thực tập bằng chất lỏng bốc cháy nhanh như cồn, xăng. Quá tắc trách. Sau khi phỏng nặng còn nhiều biến chứng khác, đó là chưa biết có phỏng nội trong phổi hay không.
Ở nước Úc, giáo dục an toàn cháy nổ bằng cách chiếu đoạn phim xen vào lúc quảng cáo hàng ngày... trong lúc chiều phim hoặc giờ nhiều người coi. Còn ở trường, từ lúc được đến lớp đã được nhà trường thu xếp cho nhân viên giáo dục an toàn cứu hỏa đến tận lớp, chiếu phim để dạy nằm xuống, lăn và bò. Kiến thức an toàn củi lửa phải là giáo dục từ nhỏ, thường xuyên và cập nhật mỗi ngày cho nhớ.
Trẻ mầm non thì dạy bằng cách minh hoạ đơn giản thôi, cần gì phải thực tiễn tại chỗ như vậy? Trong khi cô giáo chưa chắc đã trang bị đầy đủ kỹ năng và nghiệp vụ dạy phòng cháy chữa cháy. Có quá nhiều vấn đề cần bộ giáo dục đào tạo xem xét về chất lượng nghiệp vụ mầm non ở các tuyến... Nhìn ba cháu bé quấn băng kín người mà xót.
Không hiểu nổi, nếu giáo viên dạy các cháu thì cho xem clip về chữa cháy, nên dùng các vật dụng dạng mô hình, hoặc trải nghiệm thực tế tại các khu vui chơi có trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để mà thực hành. Đằng này lấy cồn đổ vào vải rồi đốt lửa, quá nguy hiểm, dễ gây ra cháy lớn, hậu quả các em bé bị bỏng nặng quá thương tâm. Mầm non phải tạo cho các con môi trường an toàn nhất để phụ huynh yên tâm đi làm.
Tuy nhiên, không ít người lại phản bác luận điểm trên khi cho rằng học kỹ năng sống bằng hình ảnh, video không thể mang lại hiệu quả:
Theo tôi, cơ bản là nhà trường đã có định hướng xây dựng những kỹ năng cần thiết và hiện rất ít trường mạnh dạn thực hiện, giờ có rủi ro thì ai cũng chê chắc mãi mãi không trường nào dám mạo hiểm. Sao không có những ý kiến xây dựng, hiến kế , động viên mà toàn là bàn lui. Tôi nhớ câu nói đại loại như này: "Thà làm điều gì đó tốt cho xã hội mà bị mọi người chê cười còn hơn không làm điều gì rồi lại đi chê cười người khác".
Chính vì cái gọi là 4.0 qua mạng, tranh ảnh... trên lý thuyết ấy khiến con trẻ khi gặp nguy hiểm không biết cách xử lý. Thực hành là biện pháp tốt nhất cho kỹ năng thoát hiểm. Lỗi ở đây là do cô giáo tắc trách không cận thận, không lường hết những rủi ro khi tổ chức một sự kiện mà ở đó có sự đầu tư và biện pháp phòng hộ.
Không thực tế thì bảo dạy chay, mà có thực hành thì rất nguy hiểm. Đúng là cô giáo không có chuyên môn nhưng vẫn phải dạy. Đáng nhẽ có điều kiện thì liên kết với phòng cháy chữa cháy chứ nhỉ. Đấy là suy nghĩ của tôi.
Đừng hở ra là chê trách các bạn à. Xem 100 lần không bằng một lần thực hành đâu. Nhưng khi trẻ nhỏ quá thì nên thay những thứ nguy hiểm bằng mô hình để trẻ thực hành, khi đến lớn thì mới sử dụng dụng cụ thực tế.
Người ta có ý tốt được đào tạo rồi mới có mong muốn giáo giục các em, nhưng vì sơ suất, nên mới xảy ra tai nạn. Đừng đánh giá sự việc một cách thiển cận. Làm trăm việc đúng không ai khen, chỉ một việc sai phải trả giá và cắn rứt cả đời, vì vậy, các bạn đừng vội chê trách và chửi người khác khi mình không nắm rõ vấn đề.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.