Đã nhiều năm làm công tác trong ngành giáo dục nhưng năm nay là năm tôi được chứng kiến nhiều đổi mới nhất của ngành giáo dục. Từ việc bỏ bớt giấy tờ sổ sách để giáo viên tập trung vào chuyên môn, học sinh được mang điện thoại vào trong lớp, đến việc không đuổi học học sinh...
Đó chính là sự thể hiện sự cầu thị thực sự của các lãnh đạo ngành giáo dục. Trong niềm hứng khởi của một người làm giáo dục, của một phụ huynh, của một công dân Việt Nam trước "làn sóng đổi mới" (câu mà đồng nghiệp chúng tôi hay dùng từ đầu năm học này), tôi xin có một đề xuất. Đó là cần có bài học "Lập kế hoạch đầu mỗi năm học cho học sinh".
Tầm quan trọng của việc lập kế hoạch được thể hiện rõ qua những chia sẻ của Tiến sĩ Alan Phan. Lúc sinh thời, TS Alan Phan đã chia sẻ rất nhiều những điều thú vị, quý giá. Một trong những những điều ông chia sẻ nhiều là tầm quan trọng của việc lập kế hoạch trong trong công việc.
Ông chia sẻ mỗi khi bắt đầu một ngày mới, tuần mới, tháng mới... ông đều dành 15 -30 phút đầu ngày để lập kế hoạch những việc phải làm; Mục tiêu đạt được; Biện pháp thực hiện. Cuối mỗi ngày, mỗi tuần... ông lại dành 15 -30 phút để xem xét kết quả thu được; Hạn chế tồn tại và Biện pháp khắc phục. Xa hơn nữa là ông lập kế hoạch cho 5 năm, 10 năm...
Còn Alan Lakein, tác giả rất nổi tiếng của Mỹ từng nói: "Việc lên kế hoạch chính là mang tương lai vào hiện tại, nhờ đó mà bạn có thể hiện thực hóa tương lai, ngay từ bây giờ". Những người đã làm việc cho các công ty của Nhật hay Hàn Quốc thường có cơ hội hiểu rõ hơn về việc lập kế hoạch.
Vào đầu giờ mỗi ngày làm việc mới, người quản lý trực tiếp sẽ lên kế hoạch cho bộ phận. Trong ngày làm việc đó, mọi người phải hoàn thành công việc được giao, làm xong việc chứ không phải là làm hết giờ. Nếu như làm hết giờ mà vẫn chưa xong việc thì vẫn phải ở lại để hoàn thành công việc, bao giờ xong mới được về. Rất nhiều người làm quản lý ở công ty của Hàn Quốc từng phải về rất muộn, có khi là 1, 2h sáng nhưng hôm sau vẫn phải đi làm đúng giờ. Rồi đầu mối tuần, mỗi tháng, mỗi quý... họ cũng đều có bản kế hoạch cụ thể. Chỉ khi có kế hoạch cụ thể thì mới có thể làm việc hiệu quả.
Có người nói: Nếu mỗi công việc được chuẩn bị tốt thì có thể thắng 50% rồi. Để có thể chuẩn bị tốt được thì việc lập kế hoạch là điều không thể thiếu. Warren Buffett từng nói: "Một kẻ ngốc có kế hoạch có thể đánh bại một thiên tài không có hoạch định". Chiến lược dù có hay đến đâu mà không có kế hoạch hành động cụ thể thì cũng vô nghĩa. Việc không có kế hoạch giống như đi rừng, đi biển mà không có la bàn.
Nhà anh tôi mới xây rất to, hoành tráng. Nhưng có thể vì không có bản vẽ, không có bản kế hoạch chi tiết nên đập đi sửa lại lung tung, ai nói gì thấy hay hay là sửa. Ngôi nhà xây dựng dù rất tốn kém mà chắp vá linh tinh, rất xấu xí. Vì không có kế hoạch nên đã tạo nên điểm yếu vô cùng nghiêm trọng của lao động Việt Nam: làm việc đôi khi tùy tiện, thích làm thì làm, thích nghỉ thì nghỉ, làm việc không hiệu quả.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc lập kế hoạch nên hiện nay nhiều công ty chuyên nghiệp đã có bản kế hoạch theo ngày, tháng... Nhều hội nghị, hội thảo bây giờ cũng đã cập nhật thực tế, đưa ra chương trình làm việc cụ thể. Ví dụ: 8h: Khai mạc; 8h30: Thảo luận, 11h30: Bế mạc.
Vừa rồi tôi có gặp một chị giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy môn Giáo dục công dân, hiện là tổ trưởng tổ xã hội trong một trường phổ thông lớn. Tôi hỏi chị: Trong trường học bây giờ có dạy bài học "lập kế hoạch" không? Tôi rất ngạc nhiên khi chị bảo là không dạy. Có chăng chỉ có một bài học về tài chính cá nhân ở cấp hai.
Kế hoạch về tài chính cá nhân là cần thiết nhưng cuộc sống cần cả những kế hoạch lao động, học tập, vui chơi, giải trí... Những điều này theo chúng ta đến cả đời, bởi vậy cần phải có các bài học lập kế hoạch thường xuyên và liên tục cho học sinh, xuyên suốt từ mầm non đến hết phổ thông. Bài học lập kế hoạch nên là một trong những bài học đầu tiên được dạy ở môn Giáo dục công dân ở tất cả các lớp vì tầm quan trọng của nó.
Kế hoạch có thể bao gồm các yếu tố: Nhiệm vụ cần làm, Thời gian hoàn thành, Thực hiện thế nào và Đánh giá kết quả của kế hoạch. Kế hoạch có thể linh động thay đổi, miễn sao vẫn theo đuổi để đạt được mục tiêu đề ra. Việc thêm bài học Lập kế hoạch cũng không làm chương trình của các em học sinh nặng thêm. Đó chỉ là một bài học khoảng một, hai tiết của môn Giáo dục công dân hay ngoại khóa ở đầu mỗi năm học. Qua những bài học này thì việc Lập kế hoạch sẽ thành kỹ năng sống trong mỗi người công dân trong tương lai.
Điều này sẽ giúp những công dân tương lai có thể có một cuộc sống khoa học, hợp lý, hạnh phúc, vui vẻ hơn. Vì tầm quan trọng của việc lập kế hoạch mà trường học lại chưa dạy nên các bậc phụ huynh cần lưu ý để dạy cho các con em mình. Các bậc phụ huynh có thể rèn việc lập kế hoạch, trước hết là kế hoạch ngắn hạn kiểu như thời khóa biểu hàng ngày cho con em mình bằng các gạch đầu dòng các công việc cụ thể.
Dĩ nhiên cuộc sống không phải là một cái máy, cần phải mềm dẻo và linh hoạt, không nên lúc nào cũng cứng nhắc nhưng muốn tạo được sức mạnh thì việc tạo nội quy, lập kế hoạch là vô cùng cần thiết. Người Nhật có thể lạnh lùng, nguyên tắc nhưng đó là sự cần thiết vì những điều đó đã tạo nên sức mạnh của con người Nhật, đất nước Nhật.
Ở Việt Nam chúng ta thì những người mới bắt đầu vào quân đội sẽ rất khó chịu với những nội quy, kế hoạch của những ngày đầu quân ngũ. Tuy nhiên dần dần họ sẽ quen và những điều này biến thành kĩ năng trong tính cách của họ lúc nào không hay. Những người này thậm chí khi giải ngũ vẫn giữ được những thói quen trong quân ngũ: sáng dậy sớm tập thể dục, ăn sáng...
Những nội quy, kế hoach này đã tạo nên sức mạnh. Quân đội nhân dân Việt Nam có khẩu hiệu: "Kỷ luật là sức mạnh". Cập nhật xu hướng thời đại thì mới đây Hàn Quốc đã quyết định đưa AI vào dạy ở trường phổ thông trong những năm học tới, đối với ngành giáo dục Việt Nam chúng ta thì với sự cầu thị của các lãnh đạo của ngành giáo dục hiện nay chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào nhiều sự đổi mới hơn nữa của ngành giáo dục nước nhà. Bài học lập kế hoạch biết đâu có thể sẽ được đưa vào dạy trong chương trình phổ thông của Việt Nam những năm tới đây giống như Hàn Quốc đưa AI vào giảng dạy.
Anh Pham
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.