Trước hết, tôi xin thành thật nhìn nhận rằng mình yêu thích Lịch sử. So với một người không có chuyên môn về Sử học thì tôi cho rằng mình thuộc loại có biết sử, từ sử Việt, sử Trung Quốc, sử phương Tây, và cả sử Mỹ, nơi tôi sống. Tôi đã từng đọc hết toàn bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đọc cả Sử Ký Tư Mã Thiên, rất nhiều tiểu thuyết lịch sử, và cả các giáo trình lịch sử ở Mỹ.
Điều đó không có nghĩa là tôi thích môn Lịch sử ở Việt Nam. Tôi oán ghét môn Lịch sử và cảm thấy khó chịu mỗi khi nghĩ về cô giáo dạy Sử của tôi hồi cấp ba. May mà tôi học chuyên ban A, lúc đấy có phân ban và chúng tôi biết rõ là sẽ không bao giờ "bị" thi Sử khi thi tốt nghiệp, vì vậy tôi hoàn toàn yên tâm để mà oán ghét môn Lịch sử.
>> Giật mình với kiến thức lịch sử của học sinh
Có lẽ tôi cũng giống như nhiều học sinh khác, đều đã trở thành nạn nhân của cái bị gọi là môn Lịch sử. Thật ra cái mà chúng tôi được dạy không hẳn là lịch sử, nó là một mớ chắp nối những bài giảng về những sự kiện rất hay ho nhưng được diễn giải một cách chán òm, rắc vào một mớ ngày tháng, cho thêm một ít ý nghĩa, rồi được trao vào tay các giáo viên tội nghiệp không được đào tạo đầy đủ. Kết quả là thầy trò đành cùng nhau đè bài học ra học thuộc lòng cho nó chắc ăn. Bao nhiêu hiểu biết lịch sử của tôi, chắc chắn là tôi đã lấy được trong những lần đọc sách liên miên chứ không có liên quan tới tiết Sử ở trên lớp.
Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất về môn Lịch sử hồi cấp ba là bài giảng của cô về thời kỳ đại suy thoái ở Mỹ. Cô giáo nói rằng, Đại suy thoái bắt đầu ở phố Wall và lan ra cả nước Mỹ. Rồi cô thòng luôn một câu là, năm đó hàng hóa ở phố Wall bán không được, rồi hiện tượng này lan ra khắp cả nước Mỹ. Mãi vài năm sau tôi mới biết là phố Wall của Mỹ (Wall Street) là thị trường chứng khoán, và cái mớ hàng hóa mà cô giáo nói tới là cổ phiếu.
Vậy thì ngày ấy cô giáo không biết là phố Wall là thị trường chứng khoán hay là cô đã không giảng cho chúng tôi nghe? Hay đơn giản hơn là lẽ ra tôi nên biết chứ không cần cô giảng? Đấy chỉ là một chuyện, còn bao nhiêu thứ khác nữa mà tôi đã không hiểu và giờ chắc cũng chả hiểu? Hay là những thứ mà tôi cứ nghĩ là mình biết nhưng thật ra là không?
>> Khi 'dân' chuyên Toán phải thi Lịch sử
Cái sự học thuộc lòng là điều mà tôi cho là hết sức sai trái trong hệ thống giáo dục. Nó đã bóp chết rất nhiều thứ, bao gồm các môn học như Lịch sử. Không ai cần học thuộc bất kỳ một trích đoạn nào trong bất kỳ một cuốn sách nào để biết sử cả. Và bây giờ, những ai có biết lịch sử cũng không hề thuộc lòng bất kỳ một thứ gì, chỉ là biết những sự kiện đó và diễn giải lại theo lời lẽ của mình thôi.
Phần lớn những người có đi học chắc phải biết về việc vua quan nhà Trần cho đóng cọc trên sông để cài bẫy quân Nguyên- Mông, hay là việc Nguyễn Trãi phò Lê Lợi để giành lại độc lập cho nước Việt từ nhà Minh. Tôi cũng biết những việc này và cũng có biết sử, nhưng tôi đâu có nhớ đủ câu chữ nào trong sách sử kể về những việc này.
Vậy thì nên dạy Sử như thế nào? Để giải quyết vấn đề dạy Sử thì trước hết nên giải quyết vấn đề thi Sử. Bài thi Sử chỉ nên giới hạn ở thi trắc nghiệm, điền vào chỗ trống, hay là trả lời những câu hỏi ngắn. Nên dẹp bỏ việc học thuộc lòng ngày tháng. Mấy cái ý nghĩa đó nó cũng giống như câu hỏi "ý của tác giả là gì" trong môn Văn, chỉ có trời mới biết được chính xác mà thôi.
>> 5 lý do khiến học sinh không thích môn lịch sử
Câu hỏi sau cùng của môn Sử kết cuộc vẫn là, liệu Lịch sử có gì quan trọng không? Tại sao chúng ta cần phải dạy Lịch sử? Tôi chỉ có thể chỉ ra rằng, ở khắp nơi trên thế giới, ai ai cũng dạy môn sử trong hệ thống giáo dục của nước họ.
Học sử không phải để là cho biết, lịch sử có những bài học mà người nào cũng có thể biến hóa để dùng vào cuộc sống hàng ngày. Đó có thể là hiểu biết về việc vận dụng quy luật con nước tự nhiên như vua tôi nhà Trần, có thể là học cách tiếp thị như nhà tư bản Bạch Thái Bưởi.
Lịch sử cũng có những bài học rất hay về đòn tâm lý trên chiến trường, chiến thuật tung tin đồn, hay những thứ u ám hơn như làm cách nào để ngăn chặn dịch bệnh. Mấy thứ đó nghe hơi xa xôi nhưng bản thân tôi đều đã có áp dụng và đạt được kết quả, mặc dù không phải lúc nào cũng tốt.
Lịch sử vì vậy vẫn phải được dạy và được học, bởi đó là những bài học xương máu mà loài người đã trải qua. Còn môn Lịch sử trong học đường thì rất dễ cải cách.
Khi mớ ngày tháng bị vứt qua một bên thì các em học sinh sẽ được tận hưởng những câu chuyện hết sức hay ho, có thể đưa lên màn ảnh được. Còn giáo viên Sử thì không phải gạt nước mắt khi nghĩ tới thân phận "môn phụ, học thuộc lòng" nữa.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.