Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 10/5 tiến hành lễ nhậm chức tại tòa nhà quốc hội với hơn 40.000 người tham dự, trong đó có nhiều nhà ngoại giao và chính trị gia quốc tế. Gương mặt khách mời gây chú ý nhất tại buổi lễ là Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn.
Ông Vương là quan chức cấp cao nhất Trung Quốc từ trước tới nay dự một buổi lễ nhậm chức của tổng thống Hàn Quốc, dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh dường như đang mong muốn thuyết phục ông Yoon không tiếp tục theo đuổi cam kết tranh cử rằng sẽ cứng rắn hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc, theo Shannon Tiezzi, tổng biên tập tạp chí Diplomat, đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu về chính sách đối ngoại và kinh tế Trung Quốc.
Theo giới quan sát, ông Vương là người có mối quan hệ rất thân cận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, từng được giao trọng trách dẫn dắt chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" do ông Tập khởi xướng.
Việc Phó chủ tịch Trung Quốc hiện diện tại Hàn Quốc gửi đi tín hiệu mạnh mẽ, trong bối cảnh gần như chưa có quan chức cấp cao Trung Quốc nào công du nước ngoài kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi năm 2020, ngoại trừ Ngoại trưởng Vương Nghị. Điều này biến ông Vương Kỳ Sơn trở thành lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc đến thăm một nước khác trong vòng hơn hai năm qua.
Khi được hỏi về chuyến đi của ông Vương tới Hàn Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh rằng "Trung Quốc và Hàn Quốc đang và sẽ vẫn là những nước láng giềng thân thiết. Chúng tôi cũng là những đối tác hợp tác quan trọng của nhau".
"Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực phối hợp của hai bên, quan hệ Trung - Hàn sẽ tiếp tục đạt được những tiến bộ bắt kịp thời đại", ông Triệu nói.
Đây được đánh giá là thay đổi lớn trong quan hệ song phương, nhất là khi ông Yoon đã thể hiện lập trường cứng rắn với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc trong suốt chiến dịch tranh cử. Ông cáo buộc người tiền nhiệm Moon Jae-in đã làm suy yếu liên minh giữa Hàn Quốc và Mỹ khi xích lại quá gần với Trung Quốc, tuyên bố sẽ thay đổi hướng đi này.
Đặc biệt, ông nhiều lần bày tỏ quan tâm tới kế hoạch mở rộng triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc, vốn là mối lo lắng hàng đầu về an ninh đối với Bắc Kinh.
Khi Hàn Quốc lần đầu đồng ý triển khai THAAD vào năm 2016, Trung Quốc đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng, khiến Seoul thiệt hại hàng tỷ USD. Tuy nhiên, phản ứng cứng rắn đó cũng đặt nền móng cho cách tiếp cận quyết liệt với Trung Quốc của Tổng thống Yoon.
Việc sử dụng các biện pháp gây áp lực kinh tế đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Trung Quốc trong dư luận Hàn Quốc. Hồi tháng 5/2021, dư luận Hàn Quốc thậm chí còn nhìn nhận về Trung Quốc tiêu cực hơn so với Nhật Bản và Triều Tiên, theo một cuộc khảo sát.
Giờ đây, khi ông Yoon lên nắm quyền, Trung Quốc dường như đang hy vọng có thể hạn chế tối đa những thiệt hại cho quan hệ song phương, theo bà Tiezzi.
Trong cuộc gặp với tân Tổng thống Hàn Quốc, ông Vương đã chuyển lời mời đến thăm Trung Quốc của ông Tập tới ông Yoon "vào thời điểm thuận tiện cho đôi bên". Trung Quốc đang đối phó đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đợt bùng dịch đầu tiên ở Vũ Hán, do đó Bắc Kinh khó có thể sớm chào đón Tổng thống Hàn Quốc.
Cựu tổng thống Moon Jae-in đã đến thăm Trung Quốc hai lần trong nhiệm kỳ của mình, gồm chuyến thăm cấp nhà nước năm 2017 trong và chuyến công du năm 2019 để dự hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc.
Tuy nhiên, ông Tập đã không thực hiện chuyến thăm nào tới Hàn Quốc kể từ năm 2014, dưới thời chính quyền tổng thống Park Geun-hye.
Lần này, ông Vương đưa ra các đề xuất của Trung Quốc nhằm giúp cải thiện quan hệ song phương như phối hợp nhiều hơn nữa để "tăng cường hợp tác về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên".
"Trung Quốc chân thành ủng hộ các nỗ lực của Hàn Quốc và Triều Tiên nhằm cải thiện quan hệ cũng như tìm kiếm hòa giải và hợp tác, đồng thời tăng cường liên lạc nhằm theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa, thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên", hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin.
Điểm đáng chú ý là lời đề nghị hợp tác về "các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên" đã không được đề xuất trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc với ông Yoon ngay sau khi ông đắc cử hồi tháng ba.
Lời đề nghị mới được đưa ra sau khi Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Park Jie-won cho rằng Trung Quốc đã gây sức ép để Triều Tiên không tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và hạt nhân. Theo bà Tiezzi, động thái này gợi lên đồn đoán rằng Bắc Kinh có lẽ đang cảm thấy thất vọng về những hành động gần đây của Bình Nhưỡng, vì thế họ tham gia tích cực hơn vào nỗ lực phối hợp cùng Seoul.
Ông Vương cũng nêu ý tưởng về "tăng cường hợp tác thực chất hơn trong chuỗi cung ứng công nghiệp". Chủ đề tương tự đã trở thành trọng tâm của mối quan hệ hợp tác Hàn Quốc - Mỹ dưới thời tổng thống Moon và có lẽ sẽ được tiếp nối dưới thời Tổng thống Yoon.
Tiezzi cho rằng Bắc Kinh có lẽ cảm thấy lo ngại về khả năng Seoul sẽ tách chuỗi cung ứng của mình khỏi Trung Quốc và đang cố gắng ngăn chặn kịch bản đó.
Một mối quan tâm lớn khác đối với Bắc Kinh là khả năng Tổng thống Yoon sẵn sàng cải thiện quan hệ với Nhật Bản, bình luận viên này đánh giá. Hợp tác an ninh chặt chẽ với Nhật Bản từ lâu đã là đề tài gây tranh cãi ở Hàn Quốc, bắt nguồn từ những khúc mắc trong lịch sử.
Quan hệ Seoul - Tokyo vài năm qua trở nên lạnh nhạt sau loạt phán quyết của tòa án Hàn Quốc năm 2018 rằng các tập đoàn Nhật Bản cần bồi thường cho những lao động cưỡng bức của nước này trong Thế chiến II. Tuy nhiên, Nhật Bản khẳng định vấn đề này đã được giải quyết từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1965.
Nhưng hiện tại, Trung Quốc lo lắng rằng việc ông Yoon hướng về phía Nhật Bản sẽ mở ra khả năng hình thành một tam giác liên minh Nhật Bản - Hàn Quốc - Mỹ ở khu vực, điều mà Bắc Kinh quan ngại từ lâu.
Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cũng tham dự buổi lễ nhậm chức của ông Yoon. Sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Hayashi và Ngoại trưởng tương lai của Hàn Quốc Park Jin, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết hai bên đã đồng ý rằng "họ không còn thời gian để lãng phí trong nỗ lực cải thiện quan hệ song phương". Ông Hayashi cũng đã gửi một bức thư riêng của Thủ tướng Nhật Kishida Fumio cho ông Yoon.
Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ đã đưa ra, Tổng thống Yoon được cho là sẽ gặp rất nhiều thách thức trong nỗ lực thay đổi sâu rộng chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, giới phân tích nhận định.
Nỗ lực hòa giải với Nhật Bản sẽ khó được người dân Hàn Quốc chấp nhận nếu Tokyo không đưa ra đề nghị thỏa đáng trong vấn đề bồi thường cho lao động cưỡng bức thời Thế chiến II.
"Tương tự, tuyên bố 'cứng rắn với Trung Quốc' thì dễ, nhưng thực hiện các chính sách như vậy sẽ rất khó khăn, bởi nền kinh tế Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc", Tiezzi cho hay.
Trung Quốc sẽ không phải đợi lâu để xem Tổng thống Yoon sẵn sàng đi bao xa trong những tuyên bố quyết liệt của mình. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Seoul để họp thượng đỉnh với Tổng thống Yoon vào ngày 20 và 21/5, sự kiện được cho là tiền đề cho mối quan hệ Hàn Quốc - Mỹ cũng như hợp tác ba bên với Nhật Bản dưới chính quyền ông Yoon.
Vũ Hoàng (Theo Diplomat)