Video xuất hiện trên mạng xã hội ngày 19/2 cho thấy một đoàn xe quân sự Nga đi trên một tuyến đường ở tỉnh Belgorod, giáp với Ukraine. Các phương tiện trong đoàn xe được sơn chữ Z màu trắng nằm trong ô vuông trên cửa, thân xe hoặc bạt che. Trong bảng chữ cái Cyrill được Nga sử dụng không có ký tự Z.
Aric Toler, thuộc nhóm quan sát Nga tại trang web điều tra Bellingcat, cho biết đã theo dõi các biểu tượng quân sự của Nga trong 8 năm qua song "chưa rõ chữ Z có nghĩa gì" và chưa từng nhìn thấy ký tự này.
Xe quân sự Nga với chữ Z trên thân trong video đăng ngày 19/2. Video: Twitter/Michael Sheldon.
Một số chuyên gia phương Tây nghiên cứu chính sách Nga, trong đó có Rob Lee, nhận định biểu tượng chữ Z có thể là của các đơn vị được chỉ định tới Ukraine trong trường hợp Nga phát động tấn công tổng lực.
"Dường như các lực lượng Nga ở gần biên giới đang sơn các biểu tượng đánh dấu trên các phương tiện để xác định lực lượng đặc biệt hoặc các cấp khác nhau, trong trường hợp này là chữ Z", Rob Lee đăng bình luận trên Twitter.
Số khác suy đoán Nga có thể dùng biểu tượng trên để tránh bắn nhầm đồng đội, do quân đội nước này và Ukraine dùng nhiều khí tài từ thời Liên Xô. Thậm chí có người cho rằng chữ Z dùng để chỉ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Hãng Maxar của Mỹ ngày 20/2 công bố ảnh vệ tinh cho thấy các đơn vị tác chiến của tại Soloti, tỉnh Belgorod, đã rời vị trí tập kết. Một số khí tài được triển khai đến cánh đồng phía đông thị trấn Valuyki, cách Ukraine khoảng 15 km về phía bắc.

Trực thăng và nhóm tác chiến của Nga tại Valuyki ngày 20/2. Ảnh: Reuters.
Căng thẳng Ukraine tăng nhiệt từ cuối năm ngoái, sau khi Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tấn công nước láng giềng. Trong những tuần qua, Mỹ liên tục phát cảnh báo Nga "sắp tấn công" nhưng chính phủ Ukraine tin rằng tình hình "không có gì mới".
Nga nhiều lần khẳng định mọi hoạt động quân sự ở biên giới là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Nga ngày 15/2 thông báo các đơn vị thuộc Quân khu phía Tây và phía Nam đang trở về căn cứ sau khi hoàn thành diễn tập gần Ukraine. Động thái này được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và đáp trả cáo buộc họ sẽ tấn công Ukraine ngày 16/2.
Tuy nhiên, Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây hoài nghi tuyên bố của Nga, khi nói rằng không thấy bằng chứng Moskva rút quân. Tình báo phương Tây vẫn lo ngại Tổng thống Nga Putin có thể ra lệnh tấn công Ukraine bất cứ khi nào.
Belarus hôm qua thông báo sẽ kéo dài tập trận chung với Nga do hoạt động quân sự gia tăng dọc biên giới của nước này và Nga cùng tình hình leo thang ở miền đông Ukraine. Trước đó, hai nước dự kiến kết thúc tập trận chung Quyết tâm Đồng minh 2022 vào ngày 20/2.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Tính toán khiến Mỹ liên tục cáo buộc Nga 'sắp tấn công Ukraine'
Nguyễn Tiến (Theo Daily Beast)