Binh sĩ tại một số căn cứ trên khắp Burkina Faso hôm 23/1 nổi dậy, yêu cầu cách chức nhiều tướng quân đội và phân bổ thêm nguồn lực cho cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo.
Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba, người phụ trách bảo vệ thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso, sau đó lên truyền hình quốc gia tuyên bố lật đổ Tổng thống Roch Marc Christian Kabore, giải tán chính phủ, quốc hội và đóng cửa biên giới.
Ngay sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng chỉ trích hành động của quân đội Burkina Faso. "Pháp nhất trí với Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) lên án cuộc đảo chính", Macron nói.
Burkina Faso là một thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi. Quốc gia vùng hạ Sahara này cũng là một trong 5 nước mà Pháp triển khai binh sĩ để hỗ trợ lực lượng địa phương chống lại các nhóm phiến quân Hồi giáo, dù Macron năm ngoái thông báo kế hoạch rút dần lực lượng.
Giới chuyên gia đánh giá cuộc đảo chính tại Burkina Faso là một đòn giáng mạnh khác vào Pháp, quốc gia vẫn muốn duy trì ảnh hưởng đối với các thuộc địa cũ ở châu Phi.
Paris nhiều năm qua đã dốc của cải, triển khai lực lượng quân đội nhằm ổn định tình hình khu vực Sahel ở phía nam sa mạc Sahara, nơi các nhóm phiến quân Hồi giáo đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Pháp ở khu vực đang ngày càng trở nên mờ nhạt, khi thái độ của người dân ở các thuộc địa cũ đã trở nên cứng rắn hơn với Paris.
Các cuộc đảo chính liên tiếp ở Mali, Chad và giờ đây là Burkina Faso đã làm suy yếu những liên minh địa phương của Pháp, tạo điều kiện để các nhóm cực đoan kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn hơn, đồng thời mở ra cánh cửa giúp Nga lấp đầy khoảng trống quyền lực tại khu vực.
Các nhà ngoại giao cảnh báo bạo lực gia tăng có thể tạo động lực mới cho cuộc di cư từ Tây Phi sang châu Âu. Đối với Pháp, bất ổn hiện nay đe dọa ổn định của các đối tác chiến lược như Bờ Biển Ngà, nhà sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, hay Senegal.
Pháp từng đạt được thành công về mặt quân sự kể từ khi can thiệp vào quốc gia thuộc địa cũ của mình là Mali năm 2013 để ngăn phiến quân tiến vào thủ đô Bamako. Họ sau đó tiếp tục dẫn đầu nỗ lực của phương Tây nhằm ổn định khu vực, thực hiện nhiều chiến dịch quân sự nhắm vào các thủ lĩnh cấp cao nhất của al-Qaeda và chi nhánh Nhà nước Hồi giáo (IS) tại châu Phi.
Tuy nhiên, chiến dịch can thiệp quân sự ở Mali cũng đẩy Pháp vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" ở châu Phi, bởi nếu Paris rút chân, hàng loạt rắc rối sẽ nảy sinh ở khu vực ảnh hưởng truyền thống của họ, theo các chuyên gia phân tích.
"Cuộc đảo chính ở Burkina Faso đặt Pháp vào tình thế khó khăn sau những gì diễn ra ở Mali. Xung đột trên toàn khu vực đòi hỏi họ phải hợp tác chặt chẽ với bất kỳ ai lên nắm quyền", Michael Shurkin, cựu quan chức Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), giám đốc chương trình toàn cầu tại công ty tư vấn 14 North Strategies, nhận xét. "Nếu Pháp rời đi, mọi thứ sẽ sụp đổ".
Điều này để lại lựa chọn khó khăn cho Tổng thống Macron, người dự kiến tái tranh cử trong vài tuần tới và đang muốn nhấn mạnh các tiêu chí lãnh đạo của mình.
"Tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng ưu tiên của chúng ta trong khu vực là chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo", Macron tuyên bố sau cuộc đảo chính ở Burkina Faso. Liệu ông có thành công hay không vẫn là câu hỏi chưa rõ ràng.
Chính sách mà Macron duy trì ở khu vực Sahel kể từ năm 2017 là hỗ trợ các quân đội các nước sở tại đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ an ninh của chính họ trong dài hạn. Để làm được như vậy, Pháp đã triển khai hàng nghìn binh sĩ đến khu vực và chi hơn 1,1 tỷ USD mỗi năm cho một chiến dịch quân sự mang tên Barkhane.
Nhưng hai cuộc đảo chính ở Mali trong 18 tháng qua, với việc chính quyền quân sự từ chối rút lui để mở đường cho chính quyền dân sự, đã làm đảo ngược chiến lược của Tổng thống Pháp.
Macron phải tìm cách thích nghi. Tháng 6 năm ngoái, ông bắt đầu giảm quân số ở Mali từ khoảng 5.000 xuống còn 4.000 và đặt mục tiêu tiếp tục giảm xuống còn một nửa vào cuối năm nay.
Ông đã rút lính Pháp khỏi ba căn cứ quan trọng ở miền bắc Mali, trao lại quyền kiểm soát an ninh cho chính quyền Mali và Liên Hợp Quốc với khoảng 14.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình đang đóng tại đây.
Mục tiêu Tổng thống Macron hướng tới là tập trung nguồn lực của Pháp vào nỗ lực chống khủng bố, truy lùng các thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan và xây dựng Takuba, một lực lượng đặc nhiệm châu Âu, để đồng hành với quân đội địa phương, và truyền đi thông điệp rằng châu Âu hoàn toàn có khả năng đoàn kết vì mục tiêu chung.
Nhưng mối quan hệ giữa Pháp với chính quyền quân sự Mali đã suy yếu đến mức Macron phải hủy bỏ kế hoạch đến thăm các lực lượng đóng quân tại nước này vào dịp Giáng sinh sau khi lãnh đạo Mali từ chối gặp ông.
Cáo buộc Paris bỏ rơi họ khi rút quân khỏi các thành phố phía bắc, chính quyền Mali được cho là đã chuyển sang hợp tác với những công ty an ninh tư nhân có liên hệ với Nga để lấp đầy khoảng trống.
Khi Pháp can thiệp quân sự vào Mali hồi năm 2013, các chiến đấu cơ của họ là át chủ bài ngăn chặn phiến quân Hồi giáo. 9 năm sau, chính những tiêm kích này hồi tháng 11 phải thả pháo sáng cảnh báo dân thường đang chặn các đoàn xe quân sự Pháp.
Các biện pháp trừng phạt manh tay do ECOWAS áp đặt với Mali không thể khiến chính quyên quân sự nản lòng. Trái lại, Mali đã tẩy chay khối, cáo buộc họ là tay sai của Pháp.
Việc Paris ủng hộ các lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc cũng góp phần tạo ra tâm lý rằng Pháp đang muốn chống lại Mali, dù những biện pháp này đã bị Trung Quốc và Nga phủ quyết.
Nỗi thất vọng ngày càng tăng đó đã lan sang Burkina Faso. Phóng viên Reuters đã chứng kiến cảnh một nhóm người mang theo các biểu ngữ phản đối Pháp và đốt cờ Pháp không lâu sau cuộc đảo chính.
"Người dân Burkina đang yêu cầu Nga hỗ trợ để đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc đấu tranh khốc liệt này", Armel Kabore, một người ủng hộ đảo chính, nói.
"Chúng tôi muốn quan hệ đối tác với Nga", Bertrand Yoda, một kỹ sư đang hò hét giữa dòng người ủng hộ đảo chính, nói. "Nga muôn năm".
Thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso hôm 25/1 tràn ngập cờ Nga, cùng khẩu hiệu nhắm thẳng vào "mẫu quốc" cũ. "Nói không với Pháp", một khẩu hiệu viết.
Nhiều người trong đoàn biểu tình nói rằng họ ấn tượng với hoạt động can thiệp của Nga của Cộng hòa Trung Phi, nơi các thành viên công ty an ninh tư nhân Nga bảo vệ cho tổng thống, các công ty khai thác kim cương và chiến đấu chống lại phiến quân Hồi giáo năm ngoái. Gần đây, lực lượng này được cho là đã xuất hiện tại Mali.
"Người Nga tạo ra kết quả tốt hơn ở các nước châu Phi", Yoda nói. "Chúng tôi hy vọng họ cũng có thể làm được vậy ở đây".
Theo giới quan sát, châu Âu đang quan ngại sâu sắc về hiện diện và ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trong khu vực.
Trong khi đó, lực lượng đặc nhiệm Takuba, gồm khoảng 600 binh sĩ từ 14 nước thành viên, hiện chủ yếu chỉ có vai trò biểu tượng. "Không ai biết phải làm gì. Không ai muốn ở lại dù với bất kỳ giá nào", một nhà ngoại giao châu Âu nói.
Pháp đang tuyệt vọng trong nỗ lực đảm bảo không nước nào rút binh sĩ khỏi Takuba. Một số đã tái khẳng định cam kết của mình, như Estonia. Dù vậy, Thụy Điển vẫn giữ kế hoạch rút khoảng 100 nhân sự vào tháng ba năm nay.
Số phận của Takuba có thể không nằm trong tay Pháp. Chính quyền Mali tuần qua đã yêu cầu Đan Mạch lập tức rút binh sĩ của họ trong Takuba vào đầu tháng một.
Nếu Mali quyết định yêu cầu Takuba rời đi, động thái này sẽ tác động nghiêm trọng tới hiện diện và ảnh hưởng của Pháp ở khu vực. Các quan chức cho biết Niger, hiện là cơ sở tác chiến chính của Pháp trong khu vực, đã loại trừ khả năng tiếp nhận thêm lực lượng nước ngoài.
Các nhà ngoại giao nhận định cái giá phải trả cho việc rút quân hoàn toàn khỏi vùng Sahel là quá lớn đối với Pháp, sau những gì mà họ bỏ ra. Tuy nhiên, Paris có lẽ vẫn phải điều chỉnh chiến lược một lần nữa.
"Có lẽ chiến dịch quân sự Barkhane của Pháp sẽ bị xóa sổ và Paris sau đó sẽ chuyển trọng tâm của họ sang các quốc gia ven biển ở châu Phi", Shurkin từ công ty tư vấn 14 North Strategies bình luận.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)