"Chúng tôi được cứu rồi! Roch đã biến mất!", Kudougou Damiba, một cư dân tại khu chợ ở Ouagadougou, vui mừng khuỵu xuống đất, khi nghe tin quân đội lật đổ Tổng thống Roch Marc Christian Kabore.
Người dân giải thích họ hân hoan vì quá khát khao thay đổi. "Tôi phải nói rằng đây là điều được mong đợi vì đất nước đã trải qua 6 năm không tìm được giải pháp thực sự. Nếu đây có thể là giải pháp cho những điều chúng tôi đang phải trải qua, chúng tôi hoan nghênh nó", Eli Sawadogo, ở Ouagadougou, chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải người Burkina Faso nào cũng tin mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn dưới chính quyền quân sự.
Anatole Compaore, 31 tuổi, đang thất nghiệp, vẫn hoài nghi về khả năng quân đội Burkina Faso có thể giải quyết các vấn đề của quốc gia. Compaore gần đây từng xuống đường biểu tình phản đối chính quyền Kabore.
"Khi Blaise Compaore (người tiền nhiệm của Kabore) bị lật đổ năm 2014, họ đã nói 'mọi thứ sẽ thay đổi'. Nhưng rồi chẳng có điều gì thay đổi. Và tôi cũng không chắc lần này có khác biệt hay không", Anatole chia sẻ.
Trung tá Damiba, người phụ trách bảo vệ thủ đô Ouagadougou, hôm 24/1 lên truyền hình quốc gia tuyên bố lật đổ Tổng thống Kabore, giải tán chính phủ, quốc hội và đóng cửa biên giới.
Sau vụ đảo chính, tung tích của Tổng thống Kabore chưa được làm rõ. Hai quan chức an ninh tiết lộ ông và một số thành viên nội các đang bị binh sĩ giữ tại doanh trại Sangoule Lamizana ở thủ đô Ouagadougou. Trong khi đó, nguồn tin chính phủ cho biết Kabore được "sơ tán" khỏi dinh thự đêm 23/1, trước khi quân đội kéo tới.
Burkina Faso là một trong những quốc gia nghèo nhất ở vùng hạ Sahara, với khoảng 45% trong gần 21 triệu dân sống dưới mức đói nghèo.
Khi tái đắc cử tổng thống năm 2020, Kabore đã cam kết coi cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo, trong đó có các nhóm liên quan đến al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, Tổng thống 64 tuổi gần đây chịu nhiều chỉ trích do chính phủ không thể chấm dứt tình trạng phiến quân Hồi giáo cực đoan gây bất ổn nhiều nơi, khiến khoảng 1,4 triệu người sơ tán. Riêng trong năm qua, các vụ tấn công của phiến quân đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.000 người.
Đông đảo người dân lẫn quân đội Burkina Faso cho rằng Tổng thống Kabore có lỗi khi để xung đột với phiến quân leo thang. Nhiều đợt biểu tình phản đối chính phủ đã bùng phát trong vài tháng qua, cùng với đó là làn sóng bất mãn ngày càng tăng trong hàng ngũ quân đội.
Ngọc Ánh (Theo NY Times)