Binh lính Burkina Faso ngày 24/1 xông vào tư dinh Tổng thống Roch Marc Christian Kabore ở thủ đô Ouagadougou, tuyên bố lật đổ chính quyền dân cử và nắm quyền kiểm soát đất nước.
Cuộc binh biến chấm dứt quyền lực của Kabore, người lên nắm quyền Tổng thống Burkina Faso từ năm 2015. Kabore tái đắc cử Tổng thống năm 2020, với cam kết coi cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo, trong đó có các nhóm liên quan đến al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, Tổng thống 64 tuổi gần đây chịu nhiều chỉ trích do chính phủ không thể chấm dứt tình trạng phiến quân Hồi giáo cực đoan gây bất ổn nhiều nơi, khiến khoảng 1,4 triệu người sơ tán. Riêng trong năm qua, các vụ tấn công của phiến quân đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.000 người.
Đông đảo người dân lẫn quân đội Burkina Faso cho rằng Tổng thống Kabore có lỗi khi để xung đột với phiến quân leo thang. Nhiều đợt biểu tình phản đối chính phủ đã bùng phát trong vài tháng qua, cùng với đó là làn sóng bất mãn ngày càng tăng trong hàng ngũ quân đội. Các binh sĩ nổi loạn bắt đầu hành động, chiếm quyền kiểm soát một số căn cứ từ ngày 23/1, rồi lật đổ chính phủ một ngày sau.
"Chúng tôi đã chán ngấy ông ấy. Nhiều bạn bè của tôi đã bỏ mạng. Cảnh sát bị giết. Tình hình chẳng đi đến đâu cả và chúng tôi quá mệt mỏi", Adjara Dera, một người dân thủ đô Ouagadougou cùng hòa vào đám đông ăn mừng tin đảo chính, chia sẻ.
Trước Burkina Faso, nhiều nước trong khu vực Hạ Sahara ở châu Phi cũng chứng kiến những cuộc đảo chính quân sự tương tự, trong đó có Mali, Guinea, Sudan và Chad.
Cuộc đảo chính ở thủ đô Ouagadougou được các binh sĩ tuyên bố trên truyền hình quốc gia đêm 24/1. Một sĩ quan bất ngờ cắt ngang chương trình phát sóng, tuyên bố quân đội sẽ tạm thời vô hiệu hóa hiến pháp và giải tán chính phủ, đóng cửa biên giới trên bộ lẫn trên không cho đến khi có thông báo mới.
Sĩ quan này khẳng định các lực lượng vũ trang hành động dựa trên ý thức trách nhiệm với đất nước và phản hồi với "nỗi tức giận của nhân dân". Sau đó, người đứng sau cuộc đảo chính lộ diện.
Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba, tư lệnh một trong ba quân khu của Burkina Faso, được thông báo trở thành lãnh đạo mới của đất nước. Đại diện quân đội cho biết Tổng thống Kabore đã bị bắt cùng một số thành viên nội các, đang được giám sát ở một nơi an toàn và cuộc đảo chính diễn ra mà không có đổ máu.
Tuy nhiên, nhiều thông tin hai ngày qua cho thấy dường như Tổng thống Kabore không chấp nhận ra đi trong yên lặng như quân đội mô tả.
Khi làn sóng biểu tình bùng phát tại thủ đô ngày 23/1 ủng hộ quân đội tiến hành đảo chính, cảnh sát chống bạo động đã nhận lệnh bắn lựu đạn cay vào đám đông, ngăn dòng người đổ về quảng trường trung tâm. Đảng cầm quyền thông báo Tổng thống khi đó đã thoát khỏi một âm mưu ám sát.
Đêm đó, nhiều tiếng súng vang lên gần tư dinh Kabore, báo hiệu giao tranh quyết liệt giữa các lực lượng đối đầu. Đến khi trời sáng, người dân phát hiện một vài xe thiết giáp thuộc đoàn hộ tống Tổng thống bị bỏ lại gần dinh thự, trên thân xe đầy lỗ đạn. Cùng lúc này, thông tin một số binh sĩ nổi loạn đã bắt Kabore và đang ép ông từ chức được lan truyền.
Theo một quan chức phương Tây giấu tên, Tổng thống Burkina Faso ban đầu không chấp nhận yêu cầu từ quân đội khi ông được một đơn vị bán quân sự bảo vệ. Đây cũng là nhóm đại diện cho ông đàm phán với lực lượng đảo chính.
Chiều 24/1, tài khoản Twitter của ông vẫn đăng thông điệp kêu gọi người dân ủng hộ chính quyền dân chủ giữa giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn, đồng thời yêu cầu nhóm đảo chính "buông vũ khí". Chỉ vài giờ sau, nhóm của trung tá Damiba xuất hiện trên truyền hình, thông báo đảo chính diễn ra thành công.
Vào tháng 11/2021, đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại khu vực đã cảnh báo nguy cơ đảo chính quân sự ở Burkina Faso. Chính quyền Kabore tuần trước còn bắt giam một sĩ quan với cáo buộc âm mưu chiếm quyền lãnh đạo.
Theo Rinaldo Depagne, chuyên gia về Burkina Faso thuộc tổ chức nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), Tổng thống bị lật đổ vốn không dành nhiều quan tâm cho các vấn đề của quân đội. Khi bị dư luận quay lưng vì không đủ năng lực giải quyết làn sóng phiến quân Hồi giáo cực đoan, số phận của Kabore xem như đã an bài.
"Ông ấy không phải một tổng thống quá tệ hay tham nhũng. Nhưng rõ ràng trong tình cảnh loạn lạc, người dân Burkina Faso cho rằng một quân nhân cầm súng sẽ bảo vệ họ tốt hơn một tổng thống dân cử", Depagne chia sẻ.
Từ sáng 24/1, khi cuộc đảo chính chưa được công bố chính thức, người dân thủ đô Ouagadougou đã đổ ra đường reo hò. Hàng đoàn xe máy phóng qua trụ sở đài truyền hình phát thanh quốc gia, khi đó đã nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội, để bóp còi chào mừng.
Kudougou Damiba, một người dân kinh doanh ở chợ điện thoại di động gần đó, ca ngợi quân đội đang giải cứu đất nước. Ông cho rằng Kabore đã tự chuốc lấy tai hoạ.
"Thay vì đoàn kết nhân dân, ông ta lại chia rẽ đất nước, mở ra cơ hội cho phiến quân cực đoan tấn công. Tất cả là lỗi của Tổng thống", Kudougou Damiba nói trong sự hưởng ứng của nhiều người xung quanh.
Trung Nhân (Theo NY Times)