Có lần tôi xuống đường nhận hàng đặt qua mạng, nghe một anh shipper vừa cầm điện thoại, vừa cau có: "Đã gọi dặn trước sẽ đến trong 10 phút nữa mà bây giờ còn đứng chờ thang máy".
Có lẽ anh bực bội vì đã chủ động gọi điện trước nhưng người nhận hàng vẫn chưa chịu xuống. Một anh shipper khác cũng đứng chờ góp lời: "Dân văn phòng quần là áo lượt vậy chứ lương có nhiêu đâu".
Tôi nhận thấy quả là không bao nhiêu thật. Lương văn phòng trung bình ở Sài Gòn, Hà Nội dao động tầm 8-12 triệu đồng. Những người văn phòng lương vọt lên tầm 20-30 triệu đồng phần lớn thường là những "chức sắc" trong công ty.
Thế thì phần đông còn lại sẽ sống thế nào trong cái vỏ bọc gọi là dân văn phòng? Tất nhiên là sẽ sống ổn nếu còn độc thân. Kinh nghiệm mười mấy năm làm việc cho tôi thấy những cô cậu thanh niên mới đi làm đều rất tận hưởng cuộc sống. Ăn uống, mua sắm thoải mái, không phải nghĩ.
Toà nhà nơi tôi làm việc có nhiều công ty, dân văn phòng rất nhiều. Thang máy hoạt động không ngơi nghỉ vì hầu như lúc nào cũng có người xuống đường nhận hàng online, trà sữa, đồ ăn...
Điều tốt đẹp đó sẽ kết thúc cho đến khi họ lập gia đình. Cuộc sống có thêm vợ hoặc chồng, sau là con cái thì có hàng trăm chi phí phải lo toan. Câu hỏi thường trực mà tôi nghe là: "Tiền đâu mua nhà", "tiền đâu mua xe" rồi "ước gì có vài tỷ" để hiện thực hoá giấc mơ đó.
Phải công nhận một điều rằng, một cặp vợ chồng làm nhân viên văn phòng, nếu mua được nhà, xe ở những thành phố lớn thì phải nhờ sự trợ giúp của bố mẹ hai bên. Nếu không, phải tốn gần chục năm làm việc mới có được những tài sản này.
Sự kiên nhẫn sẽ không còn chỗ đứng nếu lướt Facebook và thấy những bạn bè, đồng nghiệp khoe cuộc sống vật chất đủ đầy. Những thôi thúc đó khiến không ít dân văn phòng đã tìm đến chứng khoán, tiền điện tử để hy vọng ăn may được một cú lời để có số tiền bằng cả năm lương trong thời gian ngắn.
>> 'Tôi thất vọng chất lượng sinh viên Việt sau 20 năm đi tuyển dụng'
Đi tắt, đón đầu kèm theo những rủi ro. Thỉnh thoảng, tin tức lại có những người bị các sàn tiền ảo không uy tín lừa đảo một số tiền vài trăm triệu. Lúc đó, nhiều người lại hỏi "Vì sao họ lại dễ bị lừa dù thông tin cảnh báo nhan nhản?". Tôi nghĩ thật ra không phải họ không biết đó là lừa đảo, nhưng vì suy nghĩ kiếm một chút vốn khiến họ cược tiền vào đó. Ai không "vào bờ" kịp thì mất sạch tiền.
Một cậu em đồng nghiệp của tôi suốt ngày ngồi lướt web, thạo hết tin tức nhưng vẫn mất cả trăm triệu cho một sàn tiền ảo. Khi mọi người biết thì thú tội: Hiểu là có nhiều rủi ro nhưng vẫn hy vọng kiếm được nhiều tiền.
Còn nếu đầu tư chứng khoán, nhiều nhân viên văn phòng mặt ủ mày chau vì đầu tư lướt sóng vào những mã tăng trưởng nóng, hoặc lòng tham nổi lên vay margin để hy vọng lời càng nhiều càng tốt. Nhưng đến khi thị trường đảo chiều, không kịp bán ra thì mất cả chì lẫn chài, thậm chí là mang nợ.
Tôi nhớ những người đồng nghiệp ở thế hệ mình họ làm việc chăm chỉ và cầu tiến. Luôn trau đồi kiến thức, kỹ năng để thăng tiến dần dần. Song song đó là tiết kiệm và đầu tư những khoản lâu dài mà chắc chắn.
Còn bây giờ, tôi thấy nhiều nhân viên văn phòng không làm được điều đó vì trong đầu luôn nghĩ "làm sao có vài tỷ để mua nhà, mua xe" trong thời gian ngắn.
Nguyễn Điền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.