Trả lời:
Human Papillomavirus (HPV) là virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Virus cũng có thể lây lan khi người nhiễm bệnh không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng của bệnh. Nam và nữ giới đều có thể nhiễm sau đó lây truyền cho nhau.
Nếu bạn quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc trực tiếp với vùng da có mụn cóc, có thể đã nhiễm virus. Các triệu chứng có thể xuất hiện nhiều năm sau khi tiếp xúc mầm bệnh, do đó khó nhận biết được lần đầu tiên nhiễm virus là ở thời điểm nào. Bạn nên đi khám nếu xuất hiện bất kỳ loại mụn cóc nào trên bộ phận sinh dục để có những biện pháp can thiệp, tránh lây nhiễm HPV sang vợ, bạn gái và người thân.
Virus khi lây nhiễm trên nữ giới tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm hộ, ung thư hậu môn, mụn cóc sinh dục... Theo ước tính, hơn 99% trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của các chủng HPV nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, HPV có gần 200 chủng khác nhau, vì vậy nguy cơ tái nhiễm hoặc nhiễm chủng khác cao. Ở nữ giới, độ lưu hành virus tập trung vào hai mốc 35-39 tuổi và 45-49 tuổi. Trong khi đó, độ lưu hành ở nam không suy giảm theo thời gian, khả năng thải loại virus ở nam kém hơn nữ 26%.
Hiện chưa có xét nghiệm HPV ở nam giới. Những phương pháp xét nghiệm được lưu hành ở thời điểm hiện tại đều được chỉ định cho nữ, với mục đích sàng lọc ung thư cổ tử cung và không thể áp dụng cho nam.
HPV có thể được dự phòng hiệu quả nhờ vaccine, áp dụng được ở cả hai giới. Do đó, bạn và bạn gái nên tiêm chủng. Vaccine được chỉ định cho người từ 9-26 tuổi, không phân biệt đã quan hệ tình dục hay chưa và không cần xét nghiệm trước khi chích ngừa. Người từng nhiễm cũng cần chủng ngừa để phòng tái nhiễm và các chủng nguy cơ cao gây ung thư.
Một số quốc gia trên thế giới như Mỹ đã triển khai vaccine HPV cho người từ 27 tới 45 tuổi. Người trên 26 tuổi vẫn có thể tiêm ngừa nhưng hiệu quả không đạt tối ưu như độ tuổi 9-26.
Bác sĩ Bùi Thanh Phong
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC