Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, đánh giá hiểu biết về vaccine HPV phòng bệnh cho nam giới của cộng đồng dần được tăng cao, song vẫn còn hạn chế. Ghi nhận tại VNVC, tỷ lệ nam giới tiêm ngừa trong năm 2023 tăng gần gấp đôi so với năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp so với tỷ lệ dân số chung.
Nhiều nam giới sẵn sàng đưa bạn gái, người thân đến tiêm chủng, song không chọn tiêm ngừa cho bản thân vì nhiều lý do như nghĩ rằng sẽ không lây nhiễm, vaccine không thật cần thiết.
Theo đó, Hoàng (26 tuổi, TP HCM) ngày 18/1 đưa bạn gái đến VNVC để hoàn tất phác đồ tiêm ngừa HPV vì tin rằng bệnh nguy hiểm hơn ở nữ giới nhưng không có khả năng lây cho nam giới. Do đó, anh chưa muốn tiêm chủng.
Còn anh Chu Phát (25 tuổi, Hải Dương), cho rằng vaccine không cần thiết đối với nam giới. Lý do là anh quan sát thấy nhiều người vẫn khỏe mạnh, không mắc các bệnh nguy hiểm do HPV cho đến cuối đời, có thể đã nhiễm nhưng tự khỏi.
Một số người khác bày tỏ ngại tiêm do chưa có nhiều bạn bè chủng ngừa. Nhiều ý kiến khác cũng được ghi nhận, chiếm khoảng 10-20% trong chủ đề thảo luận về vaccine HPV, như: "có nghe về vaccine nhưng mũi này phòng ung thư cổ tử cung cho nữ nên nam giới không cần quan tâm đâu"; "vaccine HPV không hiệu quả ở nam giới"...
Theo bác sĩ Chính, các quan niệm này vẫn còn phổ biến do nhiều người đánh giá thấp nguy cơ lây nhiễm và chưa tin tưởng vaccine. Từ đó, nam giới thường chủ quan hoặc không phòng bệnh.
Tuy nhiên, đây là các quan niệm sai, nam giới có nguy cơ nhiễm virus tương tự nữ giới. Trong đó, độ lưu hành HPV sinh dục ở nam cao hơn nữ ở mọi lứa tuổi và không giảm theo tuổi. 91% nam giới có quan hệ tình dục có nguy cơ nhiễm HPV trong suốt cuộc đời. Đàn ông còn có khả năng đào thải virus thấp hơn phụ nữ 26%. Hầu hết các trường hợp nhiễm không có triệu chứng cụ thể, do đó rất khó nhận biết tình trạng nhiễm và khi nào virus lây lan.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet cho thấy gần 1 trong 3 nam giới trên 15 tuổi bị nhiễm ít nhất một loại HPV và 1 trong 5 bị nhiễm một hoặc nhiều loại trong số đó.
Thống kê tỷ lệ nhiễm HPV trong dân số nam giới nói chung từ năm 1995-2022, cho thấy tỷ lệ virus lưu hành trên toàn cầu là 31%, chủng nguy cơ cao có tỷ lệ lưu hành là 21%. HPV 16 phổ biến nhất với 5%, tiếp theo là HPV 6 với 4%. Tỷ lệ nhiễm cao ở người trẻ tuổi.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế ước tính có khoảng 69.400 ca ung thư ở nam giới do HPV (năm 2018). Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, năm 2013-2017, có khoảng 25.000 ca ung thư ở phụ nữ và 19.000 ca ung thư ở nam giới do HPV, trong đó hơn 4/10 ca ở nam. Tại Mỹ, số ca ung thư hầu họng do HPV ở nam giới đã tăng gấp đôi từ năm 1999 đến năm 2015.
TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, số ca ung thư liên quan HPV ở nam giới tăng theo năm. Về dịch tễ học, số ca mắc ung thư vòm họng tăng trong khi ung thư cổ tử cung giảm dần. Tỷ lệ mắc ung thư vòm họng ở nam cao gấp 4-5 lần so với nữ. Nguy cơ phát triển ung thư vòm họng cao gấp 16 lần ở người dương tính với HPV. Ngoài ra, ung thư cổ tử cung có thể sàng lọc phát hiện sớm bằng soi cổ tử cung, cũng như xét nghiệm HPV.
Song, xét nghiệm HPV chưa được khuyến khích hoặc chấp thuận sử dụng ở nam giới hay thanh thiếu niên hoặc tại các vị trí giải phẫu khác ngoài cổ tử cung. Mặt khác, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư hầu họng là 60%, thấp hơn so với ung thư cổ tử cung. Ở Mỹ, mỗi năm có 66.000 ca ung thư vòm họng mới, 15.000 người tử vong.
Do đó, các chuyên gia cho rằng nam giới rất cần thiết tiêm ngừa HPV. Theo bác sĩ Khiêm, vaccine giúp nam giới phòng bệnh hiệu quả, an toàn và giảm tỷ lệ mắc bệnh do HPV, ngăn ngừa tái nhiễm, góp phần giảm gánh nặng y tế và xã hội.
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc mở rộng tiêm phòng HPV định kỳ cho nam giới từ 9 đến 26 tuổi làm tăng khả năng thành công của chương trình tiêm chủng gấp 13 lần so với chương trình chỉ tiêm cho nữ. Người 27-45 tuổi chưa được tiêm vẫn có thể chủng ngừa, tuy nhiên có ít lợi ích hơn so với nhóm tuổi 9-26.
Mộc Thảo