Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết HPV gây ung thư cổ tử cung cho nữ, mụn cóc sinh dục và các loại ung thư như hầu họng, hậu môn, dương vật ở nam. Trong khi đó, nam giới chưa có nhiều biện pháp tầm soát virus, một số cho rằng mầm bệnh có thể tự đào thải nên không phòng ngừa. Tỷ lệ tiêm ngừa ở nam giới còn rất thấp, dẫn đến nguy cơ gia tăng bệnh do HPV.
Bác sĩ Chính chỉ ra các quan niệm sai lầm phổ biến về HPV ở nam giới khiến tiếp cận vaccine còn hạn chế.
Bao cao su ngăn ngừa HPV hoàn toàn
Bao cao su là biện pháp quan hệ tình dục an toàn, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HPV. Tuy nhiên, không có biện pháp giúp bảo vệ tuyệt đối, virus vẫn có thể lây qua những vùng da không được bao cao su che phủ hoặc bao có thể bị thủng, rách trong quá trình quan hệ.
Nam giới không thể truyền virus cho nữ giới
Ngược lại, HPV rất dễ lây nhiễm. Nam giới có thể truyền virus sang phụ nữ qua tiếp xúc da kề da hoặc khi tiếp xúc với mụn cóc sinh dục, trong tinh dịch khi quan hệ tình dục. 91% nam giới quan hệ tình dục có nguy cơ nhiễm HPV trong suốt cuộc đời. Hầu hết các trường hợp nhiễm virus không có triệu chứng cụ thể, do đó rất khó để biết bản thân có đang nhiễm hay không, đôi khi vô tình truyền virus cho bạn tình hoặc bạn đời.
Oral sex an toàn hơn
Quan hệ tình dục bằng miệng (oral sex) được nhiều người đón nhận với thái độ cởi mở. Một số người nói đã chọn cách quan hệ này để tránh thai song không lường được nguy cơ mắc các bệnh tình dục.
Nhiều người thực hiện oral sex không nghĩ đến nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thực tế, quan hệ không sử dụng bao cao su bằng đường miệng vẫn có thể bị nhiễm HPV do tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo đi vào cơ thể thông qua vùng niêm mạc miệng bị tổn thương.
Nam giới có thể sàng lọc để phát hiện HPV
Các xét nghiệm HPV chưa được chấp thuận sử dụng ở nam giới hoặc tại các vị trí giải phẫu khác ngoài cổ tử cung. Các loại ung thư liên quan cũng chưa có khuyến cáo tầm soát, như: ung thư ở vùng kín, hậu môn hoặc hầu họng... Trong khi đó, bệnh thường diễn tiến âm thầm, không được phát hiện cho đến khi bắt đầu có triệu chứng và ảnh hưởng sức khỏe.
Nam giới không cần tiêm ngừa HPV
Vaccine cũng có tác dụng ngăn bệnh ung thư ở nam giới, ví dụ ung thư vòm họng do HPV. Tuy nhiên, nhiều người không tiêm ngừa, dẫn tới mắc bệnh đáng tiếc. Ngoài ra, nhiều phụ huynh cho rằng chỉ nhiễm virus khi quan hệ tình dục, cũng là quan niệm sai do có nhiều đường lây khác như tiếp xúc với vật dụng, dụng cụ chứa mầm bệnh.
Có người cho rằng không quan hệ tình dục thường xuyên thì không nhiễm virus. Tuy nhiên, virus có thể duy trì ở "trạng thái ngủ" trong nhiều thập kỷ, sau đó tái hoạt động khi hệ thống miễn dịch suy giảm.
Do đó, nam giới vẫn cần tiêm ngừa HPV tương tự nữ giới. Hiện nay, vaccine được khuyến nghị cho người từ 9 đến 26 tuổi và tốt nhất nên tiêm ở tuổi 9-14. Với vaccine Gardasil 9, trước 15 tuổi chỉ cần tiêm 2 liều. Những người 27-45 tuổi nên tham khảo bác sĩ về lợi ích của chủng ngừa HPV.
Ngoài ra, tiêm chủng đầy đủ không loại bỏ 100% nguy cơ nhiễm HPV. Mọi người vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: quan hệ tình dục an toàn, hạn chế các chất kích thích, sinh hoạt lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ...
Mộc Thảo