Đan Mạch cuối tháng 8 tuyên bố "Covid-19 không còn là mối nguy cho xã hội" và quyết định dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế chống dịch từ ngày 10/9. Thời điểm đó, quốc gia này ghi nhận hơn 340.000 ca nhiễm và hơn 2.500 người tử vong vì Covid-19, trong khi khoảng 70% dân số đã tiêm chủng. Số ca nhiễm trung bình hàng ngày hồi cuối tháng 8 chưa đến 200 trường hợp.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron vào tháng 11 đã khiến tình hình xấu đi nhanh chóng. Đan Mạch hiện báo cáo hơn 617.000 ca nhiễm và 3.076 ca tử vong, tăng gần gấp đôi sau gần 4 tháng, dù khoảng 81% dân số đã tiêm chủng.
Những tín hiệu về đại dịch chưa từng đáng lo ngại hơn thế. Số ca nhiễm nCoV tăng gấp đôi sau mỗi hai ngày. Kỷ lục về số ca nhiễm mới liên tục được lập và bị xô đổ. Cơ sở xét nghiệm gần đây phải tăng cường ca đêm để theo kịp tốc độ lây lan của virus.
Nhưng giới khoa học Đan Mạch nhận định làn sóng chỉ mới bắt đầu. "Tháng tới sẽ là giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch", Tyra Grove Krause, nhà dịch tễ học trưởng tại Viện Huyết thanh Nhà nước Đan Mạch, nhận định.
Khi Omicron xuất hiện và lây lan chóng mặt, kịch bản tốt nhất mà nhiều người hy vọng là nó gây bệnh nhẹ hơn Delta và cạnh tranh với biến chủng này, từ đó giúp làn sóng dịch dễ kiểm soát hơn và dần chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu. Nhưng làn sóng Omicron đang tràn ngập Đan Mạch lại được dự đoán sẽ giáng đòn mạnh chưa từng thấy cho đất nước này, ngay cả khi chỉ gây bệnh nhẹ.
Các chuyên gia xây dựng mô hình dịch bệnh ở Đan Mạch đã đưa ra nhiều kịch bản. Nhưng ngay cả với kịch bản nhẹ nhàng nhất, các bệnh viện Đan Mạch sẽ sớm phải đối mặt làn sóng nhập viện vượt xa trước đây.
"Làn sóng này sẽ gây quá tải các bệnh viện. Tôi hoàn toàn không hoài nghi gì về điều đó", Grove Krause nói.
So sánh Covid-19 như trận lũ lụt, Grove Krause nói vaccine đã tạo ra hai lớp đê bao trước virus. Lớp đầu tiên giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, còn lớp thứ hai kéo giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Cả hai lớp đê bao đều có một số lỗ hổng, nhưng Grove Krause tin rằng khi phối hợp cùng nhau, chúng đảm bảo nước lũ không bao giờ lên quá cao.
Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Đan Mạch cho rằng lớp đê đầu tiên phần lớn đã bị loại bỏ. Dữ liệu sơ bộ cho thấy những người tiêm hai mũi vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm Omicron như người chưa tiêm. Những người tiêm mũi tăng cường được bảo vệ tốt hơn, nhưng 3/4 dân số Đan Mạch chưa tiêm mũi thứ ba.
Điều đó kết hợp với một biến chủng dễ lây truyền như Omicron có nghĩa bất kỳ người Đan Mạch nào cũng có nguy cơ nhiễm chủng Omicron. Nước lũ Covid-19 từ đó sẽ xâm nhập qua các lỗ hổng trên lớp đê bao thứ hai.
Trước khi Omicron xuất hiện, Đan Mạch chưa từng ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm mỗi ngày. Tuy nhiên, ngày 17/12, quốc gia này báo cáo 11.000 ca nhiễm mới. Con số này dự kiến có thể lên mức 27.000 ca trong vòng một tuần tới và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 1/2022. Mô hình dự đoán dịch của Viện Huyết thanh Đan Mạch cho rằng số ca nhập viện hàng ngày có thể lên tới 800 người.
Đối mặt với làn sóng ca nhiễm tăng, Đan Mạch tháng này đã siết giờ mở cửa với các nhà hàng, quán bar, kêu gọi người dân làm việc tại nhà, đóng cửa trường học sớm hơn một tuần so với kế hoạch nghỉ Giáng sinh.
Grove Krause cho biết những dự đoán được đưa ra trước khi chính phủ ban hành các biện pháp hạn chế mới ngày 17/12, trong đó có đóng cửa rạp chiếu phim và rạp hát. Nhưng bà thêm rằng ngay cả khi phong tỏa hoàn toàn, Đan Mạch cũng không ngăn được làn sóng Omicron vượt kiểm soát.
Những tín hiệu đầy lo ngại từ Đan Mạch được toàn thế giới chú ý, bởi quốc gia này sở hữu hệ thống giám sát nCoV được thiết kế đặc biệt cho những tình huống virus biến đổi nhanh.
Hệ thống bắt đầu với khả năng xét nghiệm vượt trội. Đan Mạch xét nghiệm nhiều hơn hầu hết các quốc gia khác, với tỷ lệ xét nghiệm trên đầu người gấp 7 lần Mỹ. Kết quả xét nghiệm được trả trong vòng 24 giờ và quá trình giải trình tự gene virus hoàn tất một ngày sau, giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về đợt bùng phát.
"Chúng tôi quan sát diễn biến của dịch theo thời gian thực", Arieh Cohen, người phụ trách bộ phận phát triển của Viện Huyết thanh, nói.
Dữ liệu hiện tại chỉ ra tỷ lệ nhập viện của Omicron thấp hơn Delta một chút. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng kết quả sẽ chính xác hơn trong một vài tuần tới, bởi thường có độ trễ giữa ca nhiễm và ca nhập viện.
Các nhà nghiên cứu Đan Mạch cũng xác định được cách Omicron xuất hiện và lây lan ở quốc gia này. Omicron đến Đan Mạch thông qua người nhập cảnh từ châu Phi, sau đó lây lan qua một số sự kiện siêu lây nhiễm, trong đó có một bữa tiệc Giáng sinh với khoảng 150 người tham dự. Hầu hết đã tiêm chủng, nhưng 71 người vẫn dương tính với virus.
Một năm trước, khi Delta tấn công, Đan Mạch đã nhanh chóng siết phong tỏa, làm giảm đáng kể đợt bùng phát. Song lần này, chính phủ không chọn phong tỏa toàn diện và cố gắng sử dụng những cách tiếp cận mới. Tuy nhiên, làn sóng Omicron vẫn tiếp tục lan rộng.
Viện Huyết thanh Đan Mạch cũng đang chạy đua với dịch. Chỉ trong vài tuần qua, họ đã phải tuyển thêm 100 nhân sự mới và mua thêm 20 máy phân tích xét nghiệm PCR.
Các nhà khoa học cảm thấy lo lắng và có chút kinh ngạc với những gì đang diễn ra, khi Omicron đang dần thắng thế Delta. Tính tới ngày 13/12, ngày gần nhất dữ liệu được công bố đầy đủ, Omicron chiếm 26,8% ca nhiễm ở Đan Mạch. Một tuần trước, tỷ lệ này chỉ là 4,9%.
"Nó lan quá nhanh", Cohen nói, khi ngày càng nhiều mẫu xét nghiệm được gửi tới văn phòng của ông. "Tôi không thể không nghĩ tới kịch bản rằng tất cả chúng ta đều sẽ nhiễm".
Giới khoa học cho rằng cần thêm vài tuần để có được bức tranh đầy đủ hơn về Omicron, từ độc lực, tốc độ lây lan cho tới khả năng tránh né miễn dịch của biến chủng.
Tại Anh, quốc gia duy nhất có hệ thống giám sát tương đương Đan Mạch, Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo về "sóng thủy triều" Omicron, khi biến thể này đã trở thành chủng trội ở London. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu nhận định Omicron sẽ sớm trở thành chủng trội ở lục địa già vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau. Mỹ cũng đang đối mặt nguy cơ ca nhiễm tăng và bệnh viện quá tải vào tháng tới.
Anders Fomsgaard, nhà virus học nổi tiếng tại Viện Huyết thanh, cho rằng Đan Mạch sẽ đối mặt với làn sóng dịch rất nghiêm trọng vào tháng 1/2022, nhưng sau đó Omicron có thể ít đe dọa hơn, nhờ miễn dịch tự nhiên và thông qua vaccine trong người dân được tăng cường.
Tuy nhiên, Fomsgaard tin nCoV sẽ không biến mất hoàn toàn. Nó có thể nhảy sang một loài động vật gặm nhấm để tồn tại và sau đó lây nhiễm lại cho con người. Với vaccine ngày càng phủ rộng, con người đang đẩy virus tới hai con đường, một là suy yếu và hai là biến đổi.
"Nó có thể ngày càng suy yếu. Nhưng đó là một ván cược mạo hiểm, bởi nó cũng có thể đạt được một đột biến rất nghiêm trọng khác", Fomsgaard nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)