Chia sẻ về câu chuyện "Bỏ việc chỉ vì tìm đam mê", độc giả Tran mung nêu quan điểm: "Bạn không còn nhiều thời gian để có thể kiếm được công việc khác khi tuổi trẻ không còn nhiều. Khi 30 tuổi, có gia đình, con nhỏ, bố mẹ đã già đi, bệnh tật... bạn sẽ thấy tiền quan trọng như thế nào? Được làm nghề mình yêu thích tất nhiên rất tốt, nhưng để làm gì khi con người sinh ra là sống và lao động, nhưng cuối cùng lao động lại không đủ sống.
Những người giàu có đều phải hy sinh thời gian, sức khỏe, gia đình, niềm vui cá nhân... Chạy xe ôm công nghệ, bán quán ăn, đi buôn cũng được, bán bất động sản cũng được... Ai cũng lo mưu sinh, có ai quan tâm bạn làm gì đâu? Khi bạn kiếm được nhiều tiền từ công việc bạn đang làm, bạn sẽ thấy đó cũng là một công việc rất ý nghĩa. Dù cho nó có không ý nghĩa như bạn muốn đi chăng nữa, đó là cũng là một sự hy sinh xứng đáng cho vợ chồng, con cái, bố mẹ bạn".
Không đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Không cho rằng hạnh phúc mới là đích đến cuối cùng của lao động: "Thành công là khi người ta đạt được mong muốn của bản thân, chứ không phải là có tiền nhiều, danh tiếng, địa vị xã hội mới là người thành công. Đừng có lấy những thứ đấy để đo sự thành công của một người mà hãy chú ý đến mục tiêu, momg muốn của họ để xem họ thành công ra sao? Và cũng đừng lấy mục tiêu mong ước của bản thân làm thước đo đối với người khác".
"Con người ta trong cuộc sống chỉ truy cầu hạnh phúc, mà hạnh phúc mỗi người là khác nhau. Không nhất thiết phải là giàu có quyền lực mới là hạnh phúc, có khi bình dị lại sống vui hơn. Những người thích tiền bạc cứ để họ truy cầu tiền bạc, họ thích danh tiếng cứ để họ truy cầu. Thích gì truy cầu nấy, họ thích vui với đam mê cứ để họ làm. Miễn sao họ thấy hạnh phúc với việc mình làm là được và đừng hối hận vì đã quyết định", độc giả 8 bổ sung.
>> Đam mê không quyết định sự nghiệp thành công
Nói về mục đích sống có ý nghĩa, bạn đọc Quanghuy101971 nhấn mạnh: "Cuộc sống ngày nay không dễ dàng chút nào nếu ta không tìm được những thay đổi về bản chất của nó. Nếu trước đây con người ta quan điểm theo ba chữ T là "tiền, tài và tình", thì ngày nay chúng ta phải sửa thành 5T (tín, tâm, tình, tốt, tiền). Điều đầu tiên làm người là phải có chữ "tín" hay ta phải có học hành. Thứ hai ta phải sống có "tâm", nghĩa là làm điều gì thì cũng đừng ích kỷ nghĩ cho bản thân mình. Thứ ba phải có "tình". Chúng ta được sinh ra và sống ở trên đời này là do cả một quá trình tích lũy lâu dài nên ta phải cư xử sao cho có tình với cuộc đời. Thứ tư là ta phải sống "tốt", không nên so sánh cuộc sống của bản thân mình với cuộc sống của người khác. Cuối cùng đó là "tiền", ở đây không phải là tiền mặt hiện hữu mà là tiền có giá trị, là thành công".
Cho rằng mọi sự lựa chọn đều không có đúng và sai mà tùy thuộc vào mỗi người, độc giả Boss Lý dẫn chứng: "Có hai người đi trong rừng gặp mưa nhưng đã tìm thấy một cái lán để trú. Cả hai đều cảm thấy vị trí và kết cấu lán không đủ an toàn trong cơn mưa rừng vì có thể bị nước cuốn trôi. Một trong hai người quyết định rời đi để tìm kiếm chỗ trú an toàn hơn còn người kia thì quyết định ở lại vì cảm thấy chỗ hiện tại vẫn đang ổn và cũng không có gì đảm bảo sẽ tìm thấy chỗ mới tốt hơn. Vậy ai đúng ai sai?
Theo tôi chẳng có đúng hay sai mà nó tùy thuộc vào kết quả:
1. Người đi không tìm được chỗ tốt, thậm chí có thể gặp nạn trên đường, còn chiếc lán an toàn sau mưa: Người đi có thể sẽ cảm thấy ân hận về quyết định của mình, còn người ở lại thấy mình đã quyết định đúng.
2. Người đi tìm được chỗ tốt hơn còn chiếc lán an toàn sau mưa: Khi đó người đi thấy mình đã quyết định đúng, còn người ở lại cũng không thấy mình sai mà còn thấy mình ổn hơn do không phải lao ra ngoài mưa để tìm chỗ mới.
3. Người đi tìm được chỗ mới tốt hơn còn chiếc lán bị mưa kéo sập hoặc cuốn trôi: Người đi thấy mình quyết định đúng, còn người ở lại thì ân hận vì đã không đi cùng người kia.
4. Người đi không tìm được chỗ mới tốt hơn và cũng có thể bị nạn còn cái lán cũng bị kéo sập hoặc cuốn trôi: Cả hai ngồi bảo nhau là số phận mình thế.
Kết luận: Bạn thấy mình giống ai hơn thì lựa chọn con đường đó và cũng chấp nhận những rủi ro của nó. Và hơn hết đừng chê bai hay đánh giá người có lựa chọn không giống bạn vì thực chất thành hay bại nó tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể chứ không phải quy luật chung cho tất cả".
>> Bạn làm việc vì tiền hay đam mê? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.