Trong thông cáo ngày 9/10, lực lượng phòng vệ trên biển Đài Loan cho biết dự án do cựu tham mưu trưởng, đô đốc Lý Hỉ Minh đề xuất bị hủy do thiết kế của tàu tên lửa không đáp ứng nhu cầu tác chiến phi đối xứng chống lại đối thủ. Phòng vệ trên biển Đài Loan có thể mất ít nhất 7 triệu USD khi quyết định hủy dự án.
"Các đợt phóng thử tên lửa hoàn thành trong năm 2020 cho thấy do kích thước nhỏ, độ ổn định của tàu bị ảnh hưởng bởi thời tiết và biển động, tác động đến độ chính xác của việc phóng tên lửa. Đây là lý do con tàu không đáp ứng nhu cầu tác chiến của chúng tôi", phòng vệ trên biển Đài Loan cho biết.
"Để tránh lãng phí quỹ đầu tư quốc phòng, lực lượng phòng vệ trên biển đã báo cáo với cơ quan lập pháp và kết thúc dự án với sự đồng ý của cơ quan phòng vệ Đài Loan", thông cáo có đoạn.
Cơ quan lập pháp của đảo Đài Loan ban đầu ủng hộ dự án chế tạo tàu tên lửa siêu nhỏ hồi năm 2018, song yêu cầu xem xét nguyên mẫu trước khi duyệt chi ngân sách đóng toàn bộ 60 tàu theo kế hoạch. Mỗi con tàu có lượng giãn nước 40-50 tấn với tiết diện radar giống tàu đánh cá thông thường, thủy thủ đoàn gồm hai đến ba người.
Các tàu này có tốc độ tối đa gần 65 km/h, được trang bị hai tên lửa Hùng Phong II. Kích thước nhỏ cho phép chúng ẩn náu dễ dàng dọc theo bờ biển đảo Đài Loan, đóng vai trò khẩu đội tên lửa di động phục vụ hoạt động phòng thủ của hòn đảo. Chúng có thể được triển khai ở các cảng cá, vịnh và cửa sông.
Dự án chế tạo tàu tên lửa cỡ nhỏ của Đài Loan bị dừng sau khi cựu đô đốc Lý Hỉ Minh rời nhiệm sở, được cho do bất đồng giữa các quan chức phòng vệ cấp cao và việc hòn đảo dự tính mua 100 tổ hợp phòng thủ bờ biển Harpoon của Mỹ.
Thỏa thuận trị giá 2,4 tỷ USD được cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt hồi tháng 10/2020, bao gồm 400 tên lửa Harpoon phóng từ các bệ di động trên mặt đất.
Dù mất ít nhất 7 triệu USD khi hủy dự án, phòng vệ trên biển Đài Loan cho biết kết quả nghiên cứu và phát triển tàu tên lửa cỡ nhỏ sẽ được ứng dụng cho các dự án chế tạo tàu thuyền trong tương lai và không làm lãng phí ngân sách của hòn đảo.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan đang đặt sản xuất loạt hộ vệ hạm hai thân lớp Đà Giang nhằm tăng cường năng lực tác chiến phi đối xứng. Các tàu lớp Đà Giang được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay", với thiết kế tàng hình, được trang bị 8 tên lửa diệt hạm Hùng phong II và 8 tên lửa hành trình Hùng phong III.
Đài Loan đang tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh căng thẳng hai bờ eo biển gia tăng. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Quân đội Trung Quốc gần đây tổ chức nhiều cuộc diễn tập quanh đảo Đài Loan với các loại vũ khí tối tân, đồng thời nhiều lần điều máy bay quân sự áp sát hòn đảo.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)