Ngày 4/5, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra quyết định trên. Phương án tuyển sinh của trường cơ bản như năm 2019, tức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, IELTS và các tiêu chí phụ khác do đơn vị đào tạo quy định. Trường cũng mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của trường.
Trường hợp dịch bệnh Covid-19 kéo dài, cản trở kỳ thi tốt nghiệp THPT, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức xét tuyển dựa theo kết quả học tập bậc THPT kết hợp với hình thức kiểm tra đánh giá từ xa. Năm 2020, trường tuyển 10.320 chỉ tiêu với 131 ngành, chương trình đào tạo.
Giải thích lý do hủy thi đánh giá năng lực, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đã phân tích thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT (tách điểm bài thi tổ hợp thành ba đầu điểm) và xem xét giảm áp lực cho thí sinh trong tình hình Covid-19 kéo dài.
Theo Luật Giáo dục đại học, trường đại học được chủ động tuyển sinh. Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, học sinh nghỉ 3 tháng, chuyển sang học online và qua truyền hình. Ngày 28/4, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết đã đề nghị các đại học, học viện tính toán thận trọng phương án tuyển sinh riêng, không gây hoang mang cho học sinh. "Tôi chỉ đạo xây dựng quy chế tuyển sinh đảm bảo tinh thần tự chủ đại học, nhưng phải đề cao trách nhiệm giải trình, minh bạch và chia sẻ khó khăn của học sinh, phụ huynh", ông Nhạ nói.
Trước đó ngày 22/4, ngay sau khi Thủ tướng chấp thuận phương án thi tốt nghiệp THPT, thay thế cho kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo sẽ xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực của trường và xét hồ sơ thí sinh. Kỳ thi sẽ được tổ chức vào cuối tháng 7, thí sinh làm các bài thi Toán, bài viết luận, Ngoại ngữ và Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Sau khi Đại học Quốc gia Hà Nội dừng thi đánh giá năng lực, tối 4/5 Đại học Ngoại thương thông báo dừng tổ chức kỳ thi phối hợp. Trường sẽ chuyển chỉ tiêu của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực sang xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế, điểm thi tốt nghiệp THPT hai môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường không phải là ngoại ngữ như phương án năm 2019.
Như vậy, năm 2020 Đại học Ngoại thương sẽ xét tuyển theo 5 phương thức. Một là xét tuyển dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải cấp tỉnh, thành và hệ chuyên. Hai là xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập THPT dành cho hệ chuyên và hệ không chuyên. Ba là xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bốn là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Cuối cùng là phương thức xét tuyển thẳng.
Trong đó, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ dựa trên các tổ hợp và cách tính điểm tương tự như năm 2019.
Mỗi năm có khoảng 900.000 học sinh thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Năm nay, học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ ba tháng phòng Covid-19. Cuối tháng 4, đầu tháng 5, học sinh mới đi học trở lại.
Ngày 22/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng phương án thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh sẽ thi ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Bài thi tổ hợp sẽ chỉ còn một đầu điểm. Việc tuyển sinh đại học sẽ do các trường chủ động.
Đến chiều 27/4, sau cuộc làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quyết định bài thi tổ hợp giữ nguyên ba đầu điểm của ba môn thành phần để thuận lợi cho thí sinh và trường đại học xét tuyển.