Chiều 27/4, sau cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra quyết định trên. Như vậy, thay vì chỉ giữ một đầu điểm như thông báo ngày 22/4, bài thi Khoa học tự nhiên sẽ gồm ba đầu điểm của ba môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Bài thi Khoa học xã hội gồm ba đầu điểm của ba môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.
Việc tách ba đầu điểm sẽ thuận lợi cho cả thí sinh và trường đại học khi sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển. Vì hiện học sinh đăng ký xét tuyển theo khối, tổ hợp môn, mỗi khối/tổ hợp gồm ba môn. Nếu chỉ giữ một đầu điểm cho bài thi tổ hợp, học sinh sẽ phải đầu tư ôn luyện 4-6 môn, nhiều hơn so với mọi năm 1-3 môn. Các trường cũng phải thay đổi tổ hợp môn xét tuyển.
Trước đó phát biểu tại cuộc họp, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng việc chỉ lấy một đầu điểm đối với bài thi tổ hợp là giải pháp căn cơ, chống học lệch, học tủ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, học sinh đã ôn tập theo phương án thi THPT quốc gia mọi năm nên các trường mong muốn bài thi tổ hợp được giữ nguyên ba đầu điểm.
Đại diện Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng nếu cách thức tổ chức và đề thi vẫn do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm, kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây vẫn là một trong những căn cứ quan trọng cho các trường sử dụng kết quả để tuyển sinh. Các trường mong kỳ thi diễn ra trung thực, khách quan, đánh giá công bằng năng lực thí sinh.
Trả lời kiến nghị trên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đề thi năm nay giảm bớt những câu hỏi khó, nhưng vẫn đảm bảo xếp loại được học sinh trung bình, khá, giỏi, xuất sắc và điểm thi vẫn chênh đến 0,25 điểm. Bộ sẽ công bố quy chế tuyển sinh đại học chậm nhất ngày 10/5, công bố đề tham khảo theo phương án thi tốt nghiệp THPT.
Những người đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước có thể tham dự kỳ thi năm nay (thí sinh tự do) để lấy kết quả xét tuyển đại học.
Đối với một số trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ quan điểm tôn trọng tinh thần tự chủ, "nhưng chỉ nên tổ chức khi thật sự cần thiết, không làm khó học sinh". Dự kiến chỉ có những trường đòi hỏi đầu vào cao mới tổ chức thi riêng.
Ngày 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, thay vì thi THPT quốc gia như năm ngoái với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Thí sinh THPT phải thi ba bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh Giáo dục thường xuyên phải thi hai bài bắt buộc Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội sẽ được ra theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề riêng, làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Riêng bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với một đầu điểm.
Mỗi năm có khoảng 900.000 học sinh thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Năm nay, học sinh mới học hết tuần 20 (trong 35-37 tuần) thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường dạy học qua Internet, trên truyền hình, công bố chương trình học kỳ II tinh giản.
Hiện nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh. Một số trường như Đại học Quốc gia Hà Nội hay Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi riêng để có thêm phương thức. Một số trường đổi tổ hợp xét tuyển theo cách tính điểm của phương án thi tốt nghiệp THPT như Đại học Thương mại.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ước tính 10-20% học sinh THPT lựa chọn tham dự các kỳ thi tuyển sinh riêng, đa phần các trường vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học.